Báo Đồng Nai điện tử
En

Chật vật với cao su tiểu điền

09:12, 07/12/2012

Do thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ thuật, tình hình giá mủ cao su xuống thấp khiến nông dân trồng cây cao su nhỏ lẻ tại xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc gặp không ít khó khăn.

 

Do thiếu vốn đầu tư, thiếu kỹ thuật, tình hình giá mủ cao su xuống thấp khiến nông dân trồng cây cao su nhỏ lẻ tại xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc gặp không ít khó khăn.

Vườn cao su của anh Dương Văn Chủng do khai thác sớm nên bị giảm năng suất và chất lượng.  Ảnh : H.Đình
Vườn cao su của anh Dương Văn Chủng do khai thác sớm nên bị giảm năng suất và chất lượng. Ảnh : H.Đình

Năm 2000, UBND xã Xuân Thành đã có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng cho thu nhập thấp sang cây cao su. Từ đó đến nay nông dân Xuân Thành đã chuyển đổi hơn 500 hécta cây xoài, điều, tràm… sang cao su, nâng tổng diện tích cao su toàn xã lên gần 900 hécta. Trong đó có trên 300 hécta trồng trập trung, còn lại là các diện tích nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình (cao su tiểu điền).

 Các hộ trồng cho biết, chi phí đầu tư 1 hécta cao su từ khi xuống giống đến thời điểm thu hoạch tốn khoảng 37 triệu đồng/năm. Khi cây cao su cho mủ thì chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ khoảng 5-10 triệu đồng/năm. Trong khoảng 3 năm đầu mới trồng, cây cao su còn nhỏ nông dân có thể trồng xen canh khoai mì, khoai lang để lấy ngắn nuôi dài. Bước qua năm thứ tư trở đi, lúc này cây đã lớn thì không thể trồng xen canh được nữa. Với những hộ không có điều kiện kinh tế thì bà con phải đi làm thuê, làm mướn để chờ đến ngày cây cao su cho thu hoạch. Tuy vậy, có không ít hộ do thiếu vốn, cần tiền trang trải cuộc sống hàng ngày đã phải chấp nhận “gặt lúa non”. Điển hình như hộ anh Dương Văn Chủng, chủ 4 hécta cao su ở ấp Tân Hữu. Năm 2010, do quá khó khăn nên anh quyết định thu hoạch sớm khi cây cao su vừa bước qua năm thứ 5. Do bị khai thác sớm nên những năm về sau vườn cao su của anh bị chựng lại, cây èo uột, chất lượng và sản lượng mủ thấp hơn từ 20-30% so với những vườn khác, mặc dù anh đã bù đắp cho cây bằng lượng phân bón gấp rưỡi bình thường. Chưa kể những hộ có diện tích ít, không có điều kiện thuê thợ cạo chuyên nghiệp nên huy động lao động trong gia đình ra cạo mủ. Nhưng do không nắm rõ quy trình kỹ thuật nên các vết cạo thường bị phạm lỗi khiến cho năng suất, chất lượng mủ của cây bị giảm xuống rất nhiều.

Khó khăn vẫn chưa dừng lại khi giá mủ cao su đang giảm đáng kể, giảm gần 20% so với năm 2011. Ông Đặng Văn Ninh, ấp Trảng Táo, cho biết với 1 hécta cao su thu hoạch được 7 năm thì năm nay gia đình ông chỉ bán được khoảng 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư phân bón, nhân công… ông không có lãi! Anh Bùi Minh Cường, thợ cạo mủ cao su thuê cho biết, những năm trước khi mủ cao su có giá mỗi tháng anh đều có thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Nhưng hiện nay giá cao su xuống thấp mức thu nhập của anh chỉ còn khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Trước tình hình khó khăn đối với người trồng cao su tiểu điền, ông Hoàng Quốc Việt, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết chính quyền sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc và dạy kỹ thuật cạo mủ cho bà con. Đồng thời, chính quyền tạo nhiều điều kiện cho bà con được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để ổm định sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Lê Tùng- Hải Đình

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích