Ngành gốm mỹ nghệ Đồng Nai có lẽ chưa khi nào rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Thị trường sụt giảm nghiêm trọng trong khi việc đầu tư xây dựng cụm gốm Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) vẫn đang trong giai đoạn sắp xếp, di dời...
Ngành gốm mỹ nghệ Đồng Nai có lẽ chưa khi nào rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Thị trường sụt giảm nghiêm trọng trong khi việc đầu tư xây dựng cụm gốm Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) vẫn đang trong giai đoạn sắp xếp, di dời...
Trong tình hình kinh tế thế giới khó khăn, ngành gốm chịu tác động nhiều hơn so với các ngành hàng công nghiệp xuất khẩu khác, như: đồ gỗ, da giày hay may mặc. Bởi sản phẩm gốm không phải là mặt hàng thiết yếu nên rơi vào “danh sách” bị cắt giảm đầu tiên của người tiêu dùng.
* Sản xuất teo tóp
Sản xuất gốm năm nay tiếp tục bị giảm sâu do thị trường gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Tấn, chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân gốm Phát Thành cho biết, năm nay đơn hàng chỉ bằng 30% so với năm 2011. Lò gốm của ông Tấn hiện đang làm hàng gia công cho các DN gốm ở tỉnh Bình Dương. Bình thường khoảng 3 ngày là Phát Thành có một mẻ gốm ra lò, nhưng hiện tại, một tuần chạy đôn chạy đáo tìm hàng, mới được một mẻ gốm. “Một lần nung từ 500-550 sản phẩm, nhưng hiện tại các DN đặt hàng chỉ khoảng 300 sản phẩm là nhiều nên lại phải đi tìm thêm hàng cho đủ một mẻ nung” - ông Tấn tâm sự.
Sản xuất gốm tại Doanh nghiệp tư nhân gốm Phát Thành. Ảnh: V. Nam |
Những “anh cả” trong làng gốm như gốm Thái Dương cũng đành nhìn thợ ra đi vì không có đủ việc làm. Lúc cao điểm, Thái Dương có hơn 600 lao đông, nhưng hiện nay chỉ còn gần 100 người.
Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, những trường hợp như của Phát Thành hay Thái Dương không phải là cá biệt. Hiện nay, hầu hết các DN gốm đều trong tình trạng “ăn đong” đơn hàng nên chỉ sản xuất cầm chừng. Đứng trước khó khăn, ông Nguyễn Gia Hảo - Chuyên gia tư vấn Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, đây là lúc các nhà sản xuất gốm Đồng Nai sắp xếp lại sản xuất và nghiên cứu làm thế nào để sản xuất có hiệu quả nhất, trên cơ sở tiết giảm chi phí tối đa để duy trì DN, ít nhất qua được thời điểm khó khăn này.
* Nên làm cụm công nghiệp “mở”
Về vấn đề phát triển cụm gốm Tân Hạnh, Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho rằng, không nên biến nơi đây thành một cụm công nghiệp như các cụm công nghiệp khác, mà phải xây dựng theo hướng mở của một làng nghề. Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai phân tích, giả sử các đơn vị sản xuất gốm di dời vào cụm gốm Tân Hạnh chỉ đơn thuần là sản xuất, các lò gốm sẽ tự xây tường rào bao kín lấy mình dẫn đến rất khó khăn trong việc giới thiệu sản phẩm hoặc thu hút thêm khách hàng.
Theo Hiệp hội gốm, cụm gốm phải có nơi trưng bày sản phẩm để thuận lợi cho khách hàng đến tìm hiểu. Các gian hàng trưng bày đó nên tổ chức nằm dọc 2 bên trục đường chính vừa thuận tiện và tạo vẻ mỹ quan. Ở đây còn phải có khu vực đào tạo nghề, nhất là cho người dân địa phương để cung cấp lao động cho các DN gốm, bởi lao động cho ngành gốm không dễ tuyển dụng công nhân các nơi như nhiều nghề khác. Giữa các đơn vị sản xuất không sử dụng hàng rào để tạo ra sự thông thoáng và gắn kết với nhau, khi khách đến tham quan có thể đi từ lò gốm của DN này sang lò gốm của DN khác. Khi cần thiết, nơi đây có thể tổ chức hội chợ triển lãm, lễ hội mà không bị chia nhỏ không gian và cũng cần có cả bảo tàng gốm ở nơi đây.
“Điều quan trọng nhất là phải biến nơi đây không chỉ là nơi sản xuất gốm mà còn trở thành một điểm du lịch, lúc đó làng nghề này mới phát triển được bền vững nhờ sự hỗ trợ của lĩnh vực khác mang lại. Vừa qua, một số công nhân kỹ thuật của Philippines sang đây tìm việc làm cho biết, nhiều làng gốm ở Philippines cũng bị “chết” do theo mô hình công nghiệp” - ông Khiềng nói.
Vân Nam