Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất bao bì: Trầm lắng cuối năm

08:11, 23/11/2012

 

Chủ doanh nghiệp (DN) chạy đôn chạy đáo để tìm đơn hàng sản xuất, công nhân và máy móc “đủng đỉnh” vì không có hàng là tình trạng chung của giới DN sản xuất bao bì hiện tại. Mặc dù đã vào giữa mùa sản xuất, nhưng xem ra hoạt động ở các DN vẫn rất đìu hiu.

 

 

Chủ doanh nghiệp (DN) chạy đôn chạy đáo để tìm đơn hàng sản xuất, công nhân và máy móc “đủng đỉnh” vì không có hàng là tình trạng chung của giới DN sản xuất bao bì hiện tại. Mặc dù đã vào giữa mùa sản xuất, nhưng xem ra hoạt động ở các DN vẫn rất đìu hiu.

Ông Nguyễn Ngọc Diệp, Giám đốc DN tư nhân Mai Hoa ở phường Long Bình, TP. Biên Hòa cho biết, tình hình sản xuất trong mấy tháng cuối năm nay chưa được cải thiện, sản lượng hàng vẫn chỉ bằng thời điểm những tháng giữa năm. 

* Đơn hàng khan hiếm

DN của ông Diệp chuyên sản xuất phôi gỗ thành phẩm để làm bao bì đóng hàng xuất khẩu và pa-lết (kệ kê hàng) cho các nhà máy. Hiện mỗi tháng DN Mai Hoa cung cấp cho thị trường khoảng 100m3 phôi gỗ và 50m3 sản phẩm pa-lết. So với cùng kỳ năm ngoái thì lượng hàng sản xuất giảm khoảng 20%. “Đến nay, chỉ còn 3 DN của Nhật là vẫn duy trì đơn hàng đều đặn, còn các công ty khác đã giảm nhiều. Mọi năm đến thời điểm này, các DN thường hối thúc, phải giao hàng liên tục, còn năm nay thì DN phải chủ động tìm” - ông Diệp tâm sự. Trước đây, ông Diệp sản xuất hàng chủ yếu cho các DN trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn hiện tại, ông phải mở rộng thị trường xuống tận các tỉnh miền Tây để duy trì sản xuất.


Sản xuất pa-lết  ở Doanh nghiệp tư nhân Vân Dung tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: V. Nam
Sản xuất pa-lết ở Doanh nghiệp tư nhân Vân Dung tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: V. Nam

 

Cũng sản xuất hàng pa-lết, Công ty Trung Việt ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom cho biết từ tháng 9 đến nay, xưởng sản xuất chỉ hoạt động dưới 50% công suất. Hàng tồn của công ty chất đầy kho. Đây là sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác nên khi kinh tế khó khăn, nhiều DN giảm đơn hàng, ngành pa-lết cũng khó khăn theo. Những năm trước vào thời gian cao điểm, Trung Việt mỗi tháng cung cấp cho thị trường hơn 200m3 pa-lết  các loại, còn hiện tại chưa đến 70m3/tháng. Thị trường của DN là các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tại đều giảm sút đơn hàng. Theo Hiệp hội Chế biến lâm sản Đồng Nai thì nhiều cơ sở, DN hoạt động sản xuất

pa-lết ở TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom hiện nay chỉ sản xuất cầm chừng, một số phải ngưng hoạt động do không bán được hàng.   

* Sản lượng thấp, lợi nhuận giảm

Trong lĩnh vực bao bì nhựa, ông Nguyễn Văn Triển, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty cổ phần Y.S ở TP.Hồ Chí Minh có nhà máy tại huyện Trảng Bom cho biết, sản lượng bao bì mà công ty sản xuất hiện đạt 10 tấn hàng/tháng, tăng khoảng 5% so với tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2011 thì lượng hàng chỉ bằng 80%. Các sản phẩm chủ yếu của Công ty cổ phần Y.S là bao dệt bằng sợi nhựa PE để đóng gói hàng xuất khẩu. Từ năm 2010 trở về trước, Y.S làm cả hàng để xuất khẩu, nhưng từ năm ngoái đến nay do thị trường khó khăn nên công ty đã ngưng hẳn phần xuất khẩu để tập trung cho thị trường trong nước. Ông Triển còn cho biết thêm, sản phẩm để các DN xuất khẩu đóng gói hàng xuất qua thị trường Mỹ và Nhật yêu cầu phải đảm bảo an toàn không có chất độc hại, khách hàng thường xuyên yêu cầu DN cung cấp các mẫu kiểm nghiệm, nhiều chi phí khác cũng phát sinh nên mức lợi nhuận bị giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty hàng công nghiệp Việt Thanh ở phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa (chuyên sản xuất dây đai hàng, băng keo và một số loại bao bì khác) cũng cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn trong năm nay đã tác động mạnh đến nhiều ngành công nghiệp, trong đó có sản xuất bao bì. Ngành bao bì được xem là phụ trợ cho các ngành sản xuất hàng hóa khác, chính vì vậy sự tăng giảm sản xuất hàng hóa ở các ngành khác là có tác động ngay đến hoạt động sản xuất bao bì. Việt Thanh năm nay sản xuất cũng bị sụt giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, 30% so với 6 tháng đầu năm.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích