Thông tư 47 của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn về quản lý động vật hoang dã (ĐVHD) gây ra hai luồng ý kiến trái chiều. Phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn về vấn đề này.
Thông tư 47 của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn về quản lý động vật hoang dã (ĐVHD) gây ra hai luồng ý kiến trái chiều. Phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn về vấn đề này. Ông cho biết:
Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT quy định về khai thác tự nhiên và nuôi ĐVHD thông thường có hiệu lực từ ngày 9-11-2012, trong đó có một số loài ĐVHD được đưa ra khỏi danh sách quý hiếm. Với những hộ có nuôi ĐVHD từ trước đến nay sẽ phải kê khai vật nuôi để đăng ký, cấp giấy phép.
* Xung quanh Thông tư 47 về khai thác, nuôi ĐVHD có hai luồng ý kiến trái ngược nhau, bên lo lắng cho là nới lỏng, bên lại nói thắt chặt. Theo ông luồng ý kiến nào đúng?
- Thông tư 47 quy định về việc khai thác, nuôi ĐVHD thoáng hơn nhiều so với các quy định trước. Trong đó có nhiều loài được loại ra khỏi danh sách quý hiếm, như: hươu, nai, heo rừng, hoẵng, cầy hương… Thực tế, những loài này được người dân nuôi sinh sản, nuôi thịt rất nhiều tại các huyện, thị, thành trong tỉnh để phát triển kinh tế. Nay mở ra cho họ được đăng ký, cấp phép sẽ dễ dàng hơn cho khâu quản lý ĐVHD. Theo tôi Thông tư 47 mở ra, nhưng cũng đang siết lại, vì sau thời gian quy định người dân không kê khai, chứng minh được nguồn gốc của loại ĐVHD mình nuôi để cấp phép thì sẽ bị xử lý.
* Nếu vậy, ở Đồng Nai có không ít hộ nuôi hươu, nai, heo rừng, nhím nhiều năm nay, nhưng không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc. Vậy các trường hợp này cũng sẽ bị xử lý?
- Thông tư 47 cũng mở ra cho những trường hợp không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc ĐVHD nhưng thực tế đã nuôi từ lâu, không phải khai thác từ tự nhiên. Người nuôi có thể nhờ khu phố, ấp xác nhận, hoặc kê khai và ký cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc để được các xã, phường lập sổ theo dõi, cấp phép. Tuy nhiên, những trường hợp này nếu phát hiện ra nguồn gốc không đúng như cam kết sẽ bị tịch thu và xử lý. Tôi cũng xin lưu ý thêm là việc kê khai để lập sổ theo dõi, xin cấp giấy chứng nhận cho ĐVHD đang nuôi kéo dài đến ngày 9-2-2013 sẽ kết thúc. Nếu quá thời gian trên người dân không đến phường, xã kê khai danh sách vật nuôi để xin cấp giấy chứng nhận, sổ theo dõi khi ngành chức năng phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm.
* Thưa ông, Đồng Nai đã đóng cửa rừng nhiều năm, nay thông tư lại cho phép khai thác nhiều loại ĐVHD trong tự nhiên. Như vậy liệu có ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý ĐVHD trong tự nhiên?
- Đồng Nai đã đóng cửa rừng hơn 10 năm nay nên việc quản lý, bảo vệ rừng khá tốt. Hiện nay, các loài ĐVHD được phép khai thác trong tự nhiên tại các khu vực có rừng trong tỉnh không còn dồi dào, tỉnh vẫn duy trì chính sách đóng cửa rừng không cho khai thác. Vì thế, công tác quản lý bảo vệ ĐVHD tự nhiên ở những nơi có rừng sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Nhím là động vật hoang dã nuôi khá nhiều ở Đồng Nai. Trong ảnh: Một trại nhím ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Ảnh: K. Minh |
* Hiệu quả kinh tế từ nuôi ĐVHD khá cao, giờ được bật đèn xanh chắc chắn số lượng sẽ tăng nhiều. Như vậy, phải làm gì để quản lý tốt ĐVHD nuôi và trong tự nhiên?
- Mấy năm gần đây, số lượng cá thể ĐVHD phát triển tương đối nhanh. Tính đến đầu tháng 11-2012, toàn tỉnh có khoảng 1.500 cơ sở nuôi ĐVHD với tổng đàn trên 120 ngàn con. Trước đây, việc quản lý ĐVHD nuôi, trong tự nhiên hầu hết là do kiểm lâm làm, nhưng theo Thông tư 47 sẽ giao ĐVHD nuôi về cho các phường, xã trực tiếp quản lý, còn kiểm lâm chỉ hỗ trợ nên áp lực sẽ giảm bớt. Tại Đồng Nai, ĐVHD được quản lý khá nghiêm ngặt, sau thời gian kê khai, cấp phép chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra các trại nuôi, nhà hàng. Nếu ĐVHD không có nguồn gốc sẽ xử lý thật mạnh tay. Ngoài ra, các hộ muốn nuôi ĐVHD phải đảm bảo tất cả các quy định về chuồng trại, môi trường mới được cấp phép nuôi.
* Xin cảm ơn ông!
Khánh Minh (thực hiện)