Giá nông sản, thực phẩm tăng vào cuối năm thường là cơ hội lớn của nhiều nông dân. Nhưng năm nay, nhà nông đành phải “ngậm ngùi” bởi thay vì tăng, giá lại giảm.
Giá nông sản, thực phẩm tăng vào cuối năm thường là cơ hội lớn của nhiều nông dân. Nhưng năm nay, nhà nông đành phải “ngậm ngùi” bởi thay vì tăng, giá lại giảm.
Từ đầu năm 2012 đến nay, giá đầu ra nhiều loại nông sản thực phẩm, như: lúa, mì, cao su, heo, gà, cá… giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào tăng thêm, lợi nhuận ít.
* Thua lỗ kéo dài
2012 là năm nông dân đối diện với rất nhiều khó khăn, vì ngay từ đầu năm, bão làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của các loại cây trồng. Ngoài ra, giá các loại nông sản, thực phẩm lại giảm so với năm 2011. Ông Nguyễn Hữu Thời (xã Lộc An, huyện Long Thành) nói: “Những năm trước, trang trại tổng hợp của tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm, nhưng từ đầu năm đến nay thua lỗ liên tiếp vì giá heo, cá thường xuyên dưới giá thành, còn cao su thu hoạch chỉ đủ trả công thợ”.
Nhiều hộ dân nuôi cá bè trên sông Cái (TP. Biên Hòa) gặp khó do giá cá điêu hồng xuống thấp. |
Anh Trần Văn Hải ở ấp 8, xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) cho biết: “Trang trại của tôi kết hợp nuôi gà và cá, mỗi năm lời trên 400 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, giá gà, cá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và các vật tư đầu vào khác đều tăng, tôi lỗ vài trăm triệu đồng”. Ông Lê Văn Thịnh (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Tôi có 3 hécta đất chuyên trồng lúa 3 vụ/năm, năm 2011 mỗi vụ lời từ 20-25 triệu đồng/hécta. Còn năm nay, mưa, bão, năng suất thấp, giá lúa hạ, lợi nhuận giảm gần 10 triệu đồng/hécta”.
* Giải pháp nào?
Trước tình hình trên, nhiều nông dân phải tự tìm giải pháp cho mình để tháo gỡ bớt khó khăn. Ông Trần Văn Tèo, ấp 1, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) cho biết: “Gần một năm nay, giá cá điêu hồng thường xuyên ở mức 28-30 ngàn đồng/kg, dưới giá thành 5-7 ngàn đồng/kg. Tôi đã chuyển qua nuôi cá lóc nên vụ rồi cũng kiếm được gần 30 triệu đồng”. Ông Trần Đức Cần, chủ một bè cá trên sông Cái thuộc phường Thống Nhất (TP. Biên Hòa) chọn giải pháp giảm nuôi cá điêu hồng chuyển qua nuôi cá chép vì đây là một trong số ít loại cá nước ngọt còn bán được giá có lời. Đồng thời, điều kiện, kỹ thuật nuôi cá chép cũng tương tự như cá điêu hồng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi được như ông Tèo không phải đa số nông dân đều làm được vì nó đòi hỏi nhiều yếu tố, như: vốn, kỹ thuật, địa hình tự nhiên… TS. Nguyễn Thế Bình, Phó phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp nhận định, đời sống của đa số nông dân còn khó khăn là do nông nghiệp ở nước ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh về số lượng. Vậy nên, dù Việt Nam có nhiều loại nông sản, thực phẩm xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, như: gạo, tiêu, cao su, cà phê, cá tra… nhưng đời sống của nông dân vẫn chật vật. Để nâng cao đời sống cho nông dân phải phát triển công nghiệp chế biến. Bởi nông sản làm ra được chế biến trước khi xuất khẩu thì giá trị sẽ cao gấp nhiều lần so với xuất thô.
Hương Giang