Theo một số dự báo, khả năng đến cuối năm sẽ thiếu nguồn cung thịt heo, gà... do người chăn nuôi giảm đàn. Một số ý kiến còn đề xuất Chính phủ cho nhập thịt vào cuối năm. Tuy nhiên, nhiều trang trại, doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai lại cho rằng, nguồn thịt cung ứng vào dịp tết khá dồi dào, do vậy không nên nhập khẩu.
Theo một số dự báo, khả năng đến cuối năm sẽ thiếu nguồn cung thịt heo, gà... do người chăn nuôi giảm đàn. Một số ý kiến còn đề xuất Chính phủ cho nhập thịt vào cuối năm. Tuy nhiên, nhiều trang trại, doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai lại cho rằng, nguồn thịt cung ứng vào dịp tết khá dồi dào, do vậy không nên nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, giá bán thịt heo, gà thường xuyên ở dưới giá thành khiến người chăn nuôi lớn, nhỏ thua lỗ nặng. Căn cứ vào thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng tổng đàn gia súc, gia cầm trong dịp tết sẽ giảm rất nhiều. Thực tế, tổng đàn gia súc, gia cầm ở Đồng Nai - tỉnh có tổng đàn heo, gà lớn nhất nhì cả nước - giảm không đáng kể.
* Vẫn duy trì đàn
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, giá bán giảm nên lượng heo, gà nuôi trong tỉnh có giảm, nhưng tổng đàn heo vẫn đạt trên 1,1 triệu con và gà vẫn xấp xỉ 10 triệu con.
Trang trại nuôi heo thịt của Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn. Ảnh: H. Giang |
Trước mắt, nhiều trang trại lớn nhận định thị trường không lo thiếu gà ăn tết. Theo đó, từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn còn gần 3 tháng nữa, trong khi chu kỳ nuôi gà chỉ từ 45-60 ngày nếu giá lên, người chăn nuôi sẽ tăng đàn. Ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom) cho biết: “Gần một năm nay, chăn nuôi gia cầm gặp nhiều khó khăn về giá cả và đầu ra. Nhưng phía công ty vẫn duy trì được tổng đàn, mỗi ngày vẫn sản xuất 500-600 ngàn con gà giống. Trong đó, 70-80% gà giống được chuyển cho các trang trại trong tỉnh nuôi gia công”. Trung bình mỗi ngày, DN xuất từ 10-12 ngàn con gà thịt cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và trong tỉnh. Hiện Bình Minh đang tăng thêm 20-30% đàn gà thịt để phục vụ cho dịp cuối năm và tết. Ngoài ra, thời gian qua giá gà xuống quá thấp, DN đã đưa vào cấp đông dự trữ một lượng hàng lớn phục vụ cho dịp tết.
Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (huyện Trảng Bom) - một doanh nghiệp có đàn heo khá lớn của tỉnh, nói: “Tổng đàn heo của công ty vẫn ổn định, mỗi tuần cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 1 ngàn heo giống và 500 con heo thịt”. Theo ông Mẽ, các trang trại nuôi heo lớn trong tỉnh vẫn đang duy trì đàn mong dịp tết giá nhích lên để bớt lỗ, bù lại cho một năm nhọc nhằn với giá. Do đó, các trang trại đều cho rằng, quyết định cho nhập khẩu thịt vì lo thiếu nguồn cung cần phải được xem xét rất kỹ về thực tế, tránh vội vàng vì sau cả năm “lận đận” chỉ trông vào thị trường tết, lại phải cạnh tranh với thịt nhập, ngành chăn nuôi sẽ thêm suy yếu.
* Có cần nhập thịt?
Thời điểm này, các DN giết mổ, chế biến thực phẩm đều đã chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm. Các DN đều khẳng định, đã ký hợp đồng đầy đủ với các trang trại chăn nuôi để có nguồn hàng ổn định cuối năm. Do đó, các ý kiến cho rằng tết năm nay thiếu thịt trầm trọng, phải nhập khẩu là không đúng.
Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) nhận định: “Nguồn heo ở các tỉnh chăn nuôi lớn phía Nam, như: Đồng Nai, Bình Dương còn khá dồi dào. Hiện công ty đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 1 ngàn tỷ đồng để dự trữ 80% lượng hàng cho dịp tết”. Ông Mười cho biết từ giữa năm, công ty đã ký hợp đồng với các trang trại ở Đồng Nai, Bình Dương để chủ động nguồn hàng vào dịp cuối năm. Cũng theo nhận xét của ông Mười, giá các mặt hàng thực phẩm sản xuất từ thịt, dịp tết năm nay chỉ bằng hoặc thấp hơn một chút so với dịp tết năm 2011 và rất khó xảy ra biến động giá.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết, tỉnh vừa cho thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm để tiêm phòng. Tuy chăn nuôi gặp khó khăn về giá, nhưng tổng đàn heo, gà giảm không đáng kể. Lượng heo, gà giảm chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn những trang trại lớn vẫn khá ổn định. Đồng Nai chăn nuôi heo, gà chủ yếu theo hướng trang trại tập trung nên sẽ không xảy ra thiếu thịt vào dịp cuối năm. Vì vậy, sở sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn không nên cho nhập khẩu thịt. |
Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Phương - Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F (huyện Trảng Bom) cho hay: “Hiện nay, nhà máy cũng đã ký hợp đồng chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cho dịp cuối năm. Thời gian qua, giá heo, gà có xuống thấp làm người chăn nuôi thiệt hại lớn, cuối năm là dịp để các trang trại lớn giảm lỗ nên hầu hết đều duy trì đàn. Dịp tết năm nay, nguồn cung thịt tươi sống cũng như sản phẩm chế biến từ thịt vẫn ổn định”. Ngoài ra, phần lớn những trang trại, DN hoạt động trên lĩnh chăn nuôi, giết mổ và chế biến đều khẳng định đã chuẩn bị gần đủ nguồn hàng phục vụ cho dịp cuối năm và tết. Mặt khác, các doanh nghiệp này hiện đều đã ký hợp đồng trực tiếp với người chăn nuôi và khẳng định, không cần đến thịt nhập khẩu vì nguồn cung trong nước khá dồi dào.
Thực tế cho thấy, dựa trên thông tin dự báo tết này sẽ thiếu thịt, một số DN đã nhập khẩu về một lượng thịt lớn đang nằm trong kho đông lạnh chưa bán ra được. Việc nhập khẩu thịt “đón đầu” này khiến các DN này điêu đứng, vì hàng nằm trong kho vẫn “bất động”, trong khi chi phí bảo quản, vốn vay ngân hàng hàng ngày đều phải cộng cả vào giá thành mà chưa biết khi nào giải phóng được.
Hương Giang