Báo Đồng Nai điện tử
En

Loay hoay giải phóng hàng tồn

08:11, 02/11/2012

Không chỉ doanh nghiệp (DN) sản xuất mới “than thở” về hàng tồn kho, nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc nhiều ngành hàng cũng đang rất do dự trước việc trữ hàng cho mùa mua sắm lớn nhất năm sắp tới bởi vẫn đang tìm cách giải phóng hàng tồn.

Không chỉ doanh nghiệp (DN) sản xuất mới “than thở” về hàng tồn kho, nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc nhiều ngành hàng cũng đang rất do dự trước việc trữ hàng cho mùa mua sắm lớn nhất năm sắp tới bởi vẫn đang tìm cách giải phóng hàng tồn.

Chưa có một tính toán cụ thể nào trong việc “đong đếm” hàng tồn kho ở từng nhóm, ngành hàng tiêu dùng tại Đồng Nai, song chỉ nhìn vào chỉ số bán lẻ trong 10 tháng qua so với các năm trước, có thể thấy sức mua năm nay giảm mạnh.

* Mặt hàng nào cũng tồn

Cụ thể, tổng mức bán lẻ 10 tháng của năm 2012 chỉ tăng 19%, trong khi cùng kỳ các năm trước tăng 25-26%. Trong đó, ngành thương mại - vốn mang lại nhiều doanh thu nhất lại tăng thấp nhất, chỉ 18%. Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng hiện tại vẫn đang loay hoay tìm cách đẩy hàng tồn: nội thất, vật liệu xây dựng, giày dép, may mặc...

Hàng nội thất tại Cơ sở mộc Minh Trí. Ảnh: V. Lâm
Hàng nội thất tại Cơ sở mộc Minh Trí. Ảnh: V. Lâm

Anh Trường Sơn, quản lý cơ sở mộc Minh Trí (đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa) cho biết, 4 năm trở lại đây, năm 2012 là năm thị trường đồ nội thất đìu hiu nhất. Các năm trước, từ tháng 10 trở đi, cơ sở phải thuê hàng chục nhân công để sản xuất hàng. Tuy nhiên, hiện tại, Minh Trí vẫn đang “án binh bất động” xưởng sản xuất, không làm thêm một sản phẩm nào, bởi hàng tồn kho còn quá nhiều. “Lượng hàng sản xuất trong năm 2012 giảm khoảng 50% so với các năm trước, song tồn kho vẫn nhiều. Trước mắt, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá bán, chấp nhận giảm lãi, tạm ngưng sản xuất để giải phóng bớt hàng tồn” - anh Sơn nói. Nhiều đại lý hàng nội thất ở khu vực Tân Mai cũng cho biết, hàng tồn kho nhiều nên sản xuất chậm lại, hầu hết đều tập trung bán cho hết lượng hàng dự trữ.

Ở nhóm hàng tiêu dùng, trừ các mặt hàng thực phẩm có hạn sử dụng ngắn, còn lại các mặt hàng có thể lưu kho lâu, như: giày dép, may mặc, xe cộ, điện máy... đều đang nằm đầy trong kho của nhiều đại lý. Chị Tường Vi, chủ một đại lý điện máy lớn trên đường Phạm Văn Thuận cho biết, hàng tồn từ giữa năm nay của một số mặt hàng, như: tivi, tủ lạnh, máy lạnh… vẫn chưa thanh lý hết, do đó, vẫn đang phải lên kế hoạch khuyến mãi, giảm giá, chưa nghĩ đến việc trữ thêm hàng.

Tương tự, xi măng, sắt thép cũng tồn đầy trong kho hàng của nhiều đại lý vật liệu xây dựng. Mùa xây dựng cuối năm khởi đầu vẫn chưa kéo lại sức mua sau nhiều tháng trời ế ẩm. Một số đại lý vẫn kiên trì áp dụng tặng kèm sản phẩm, giảm giá cho các mặt hàng, như: xi măng, gạch men… nhằm hy vọng nhanh chóng giải phóng hàng tồn.

* Dè dặt trữ hàng cuối năm

Theo lệ thường, từ khoảng tháng 10 dương lịch trở đi, nhiều đại lý bán hàng tiêu dùng lớn đã phải lo xoay vốn, đặt hàng, trữ hàng bán vào dịp tết. Tuy nhiên, sức mua khó dự đoán nên nhiều nơi vẫn e dè. Chị Tuấn Anh, cửa hàng trưởng đại lý xe gắn máy Yamaha (Công ty T.T.B, TP. Biên Hòa), cho biết, tháng 10 vừa qua, lượng xe bán ra giảm đến 30% so với tháng 9. “Hiện tại, tồn kho bằng khoảng 80% lượng xe bán ra hàng tháng, chưa đến mức lo ngại, song cửa hàng phải dùng nhiều biện pháp để tiêu thụ hàng, đặc biệt là các dòng xe có nguy cơ tồn kho cao” - chị Tuấn Anh nói. Về kế hoạch trữ hàng, chị nhận xét là “rất hồi hộp”, do đó khác với mọi năm, cửa hàng chỉ đặt lượng xe tương đương với mức tiêu thụ trung bình hàng tháng, không mạo hiểm đặt hàng nhiều.

Kho hàng xi măng của một đại lý vật liệu xây dựng trên đường Phạm Văn Thuận. Ảnh: V. Lâm
Kho hàng xi măng của một đại lý vật liệu xây dựng trên đường Phạm Văn Thuận. Ảnh: V. Lâm

Không chỉ xe gắn máy, thị trường xe hơi ế ẩm suốt thời gian qua cũng khiến nhiều đại lý xe chính hãng ngại ngần dù cơ hội bán hàng lớn nhất trong năm đang đến. Ông Trần Tấn Phát, Giám đốc Công ty TNHH T.T.P, chủ các đại lý chính hãng của Ford, Isuzu, Honda tại Biên Hòa chia sẻ, tồn kho hiện không nhiều vì DN thời gian qua chỉ bán cầm chừng, khách đặt hàng đến đâu lấy xe đến đó. “Ngay cả giai đoạn 3 tháng cuối năm, chúng tôi cũng duy trì cách làm này. Hàng năm, thời điểm này đã phải lo vốn trữ xe vì khách mua khá nhiều, song với dự đoán sức mua năm nay của chúng tôi, chắc không cần dự trữ” - ông Phát nói.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều