Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế khó, vốn “chảy” vào sản xuất

09:11, 12/11/2012

Trước năm 2010, dòng vốn đầu tư trong nước lẫn ngoài nước không ngừng gia tăng, có năm lên đến vài tỷ USD vốn đăng ký. Song gần 2 năm nay, vốn đầu tư từ phía doanh nghiệp tuy có giảm về số vốn đăng ký, song theo nhiều ý kiến, giải ngân vẫn tốt và dòng vốn được “lái” vào sản xuất, chế tạo nhiều hơn.

Trước năm 2010, dòng vốn đầu tư trong nước lẫn ngoài nước không ngừng gia tăng, có năm lên đến vài tỷ USD vốn đăng ký. Song gần 2 năm nay, vốn đầu tư từ phía doanh nghiệp tuy có giảm về số vốn đăng ký, song theo nhiều ý kiến, giải ngân vẫn tốt và dòng vốn được “lái” vào sản xuất, chế tạo nhiều hơn.

Từ khoảng 2010 đến nay, khi thị trường bất động sản (BĐS) chững lại, giao dịch nhỏ giọt thì dòng vốn đổ vào lĩnh vực này đã xuống thấp, hầu như không có dự án BĐS quy mô lớn nào được cấp phép thêm. Các dự án đã có phép thì triển khai ì ạch.

* Bất động sản tạm ngưng

Được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng về BĐS nhờ vị trí thuận lợi, trong 4 năm trở lại đây, hầu hết năm nào Đồng Nai cũng cấp phép cho các dự án BĐS cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với số vốn đăng ký lên đến hàng tỷ USD, như: dự án trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch (2 tỷ USD), dự án Phố Đông Sài Gòn (6 tỷ USD), dự án khu kinh tế mở Long Hưng (gần 2 tỷ USD)…

Công ty TaeKwang Vina cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng tại Đồng Nai. Trong ảnh: Công nhân TaeKwang Vina trên dây chuyền sản xuất.                                                                                     Ảnh: V. Lâm
Công ty TaeKwang Vina cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng tại Đồng Nai. Trong ảnh: Công nhân TaeKwang Vina trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: V. Lâm

Tuy được cấp phép đàng hoàng với diện tích lên đến hàng ngàn hécta, song đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện của các dự án BĐS từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD hết sức chậm chạp, nếu không muốn nói là ngưng trệ. Đơn cử là các dự án FDI đầu tư vào BĐS lớn được cấp phép vào năm 2008, như: dự án 750 triệu USD của Công ty TNHH Water Front Đồng Nai; dự án của Công ty cổ phần thành phố Aqua có vốn đầu tư 518,75 triệu USD và dự án của liên doanh Berjaya - D2D đầu tư xây dựng khu phức hợp và khách sạn 5 sao với số vốn khoảng 100 triệu USD… Các dự án nói trên đến nay tiến độ giải ngân rất chậm, đa số mới ở khâu thiết kế hoặc những bước sơ khởi của quá trình giải phóng mặt bằng. Trong năm qua, công ty Berjaya Việt Nam và đối tác D2D đã tiến hành điều chỉnh tiến độ dự án khu phức hợp Biên Hòa Square (Đồng Nai) đến năm 2018, thay vì trong 3 năm (từ 2008 - 2011) như trước.

Những dự án BĐS có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đã được cấp phép của các nhà đầu tư trong nước cũng không khá hơn là mấy. Hiện tại, chỉ có vài dự án có thể triển khai, song tiến độ rất chậm. Giám đốc kinh doanh một dự án BĐS có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng với quy mô cả ngàn căn hộ tại TP. Biên Hòa thừa nhận, chỉ riêng khó khăn về vốn đã khiến dự án gần như không thể triển khai gì thêm trong 2 năm qua ngoài phần móng, dù mặt bằng hoàn toàn trống. “Trong cam kết với khách hàng khi tiến hành khởi công vào năm 2010, DN hẹn là đến năm 2014 giao nhà, song với tình hình hiện tại, cam kết này khó đạt dù DN vẫn sẽ cố gắng” - giám đốc này nói.

* Tập trung vào sản xuất

Kết thúc 10 tháng của năm 2012, lượng vốn FDI đăng ký mà Đồng Nai thu hút được đã đạt trên 1,088 tỷ USD - đứng thứ 4 toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó đa số các dự án đăng ký đều tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo.

Về số lượng dự án cấp mới, chỉ tính riêng dự án trong các khu công nghiệp thì tính từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 40 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 620 triệu USD, cấp 12 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là hơn 2,2 ngàn tỷ đồng. Những dự án FDI mới thu hút trong 10 tháng qua đa số là dự án sản xuất thuộc các ngành: cơ khí, lắp ráp linh kiện điện tử, thiết bị vệ tinh, thực phẩm… Đặc biệt, tỉnh thu hút được 2 dự án công nghệ cao là dự án của Công ty TNHH Belmont Manufactoring chuyên sản xuất thiết bị nha khoa, máy móc, thiết bị y tế… và dự án của Công ty TNHH Maspro Việt Nam chuyên sản xuất các thiết bị thu tín hiệu truyền hình vệ tinh, thiết bị truyền hình cáp, thiết bị an ninh và giám sát…

Ngoài ra, các dự án triển khai hoạt động trong năm 2012 cũng là các dự án sản xuất. Theo đó, lượng vốn FDI giải ngân thực tế trong 10 tháng qua đạt hơn 800 triệu USD - cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Bà Nguyễn Phương Lan, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nhận xét: “Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thận trọng hơn trong đầu tư. Chính vì vậy, các dự án trở nên thực chất hơn, đa số tập trung vào sản xuất, chế tạo, dự án công nghệ cao…”.

Vi Lâm

Tin xem nhiều