Cách đây hơn 3 năm, tại huyện Trảng Bom, Bộ Khoa học - công nghệ và UBND tỉnh Đồng Nai đã đầu tư 2,3 tỷ đồng triển khai thực hiện “Dự án trồng cây thanh long ruột đỏ”. Từ thành công của dự án, đến nay nông dân trong huyện tiếp tục mạnh dạn đầu tư nhân rộng với diện tích hàng chục hécta.
Cách đây hơn 3 năm, tại huyện Trảng Bom, Bộ Khoa học - công nghệ và UBND tỉnh Đồng Nai đã đầu tư 2,3 tỷ đồng triển khai thực hiện “Dự án trồng cây thanh long ruột đỏ”. Từ thành công của dự án, đến nay nông dân trong huyện tiếp tục mạnh dạn đầu tư nhân rộng với diện tích hàng chục hécta.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Trảng Bom tham quan mô hình trồng thanh long của ông Hồ Sáu. Ảnh: V. NINH |
Năm 2009, dự án trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Trảng Bom được triển khai ở 4 xã trên diện tích 10 hécta. Ông Nguyễn Bá Ngọ (xã Sông Trầu) cho biết, hiện 5 sào thanh long của gia đình ông phát triển tốt và đã cho thu hoạch. Mỗi gốc thanh long có thể cho thu từ 20-40 trái/vụ, mỗi năm thu được gần 20 tấn quả, với giá bán tại vườn là 20 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, ông cũng thu được hàng trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. “Mỗi năm cây thanh long cho thu hoạch sau 9 tháng, sau khi trừ chi phí thì lãi khoảng 200 triệu đồng. Thêm nữa, loại cây này có thể trồng với diện tích hẹp, vẫn cho thu nhập ổn định” - ông Ngọ nói.
Tương tự, ông Hồ Sáu (xã Tây Hòa) cũng được hỗ trợ triển khai trồng 1,5 hécta thanh long ruột đỏ. Khi thấy hiệu quả, ông Sáu nhân rộng lên 2,5 hécta. Vườn cây phát triển rất tốt, trái thanh long từ vườn ông Sáu cũng từng giành giải “Trái cây ngon và an toàn” tại Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang năm 2010. Ông Sáu tính toán: “Ước tính mỗi cây trong một năm có khả năng cho 50kg trái. Nếu giá 10 ngàn đồng/kg thì mỗi gốc cũng được 500 ngàn đồng. Với khoảng 1,5 ngàn cây, tôi có thu nhập trên 1 tỷ đồng”.
Từ hiệu quả của dự án thanh long ruột đỏ, nhiều nông dân huyện Trảng Bom đã tiếp tục nhân rộng diện tích lên 30 hécta. Để trồng thanh long thương phẩm thì ít nhất phải có vài trăm gốc với chi phí đầu tư khoảng 150 ngàn đồng/gốc. Thanh long ruột đỏ ở Trảng Bom hiện chưa nhiều, quả ngọt nên thương lái tìm về tận vườn để mua. Tuy vậy, để không vướng vào vòng luẩn quẩn cung vượt cầu hay được mùa rớt giá gây thua lỗ nặng cho người trồng thì vẫn cần có định hướng của các ngành chức năng.
Vũ Ninh