Báo Đồng Nai điện tử
En

Giày da xuất khẩu: Doanh nghiệp nhỏ tìm đơn hàng năm mới

10:11, 14/11/2012

Thường sang quý IV là các doanh nghiệp (DN) sản xuất giày da xuất khẩu đã có đơn hàng sản xuất cho quý I năm sau. Nhưng năm nay, việc ký hợp đồng năm mới không mấy dễ dàng, nhất là những DN vừa và nhỏ.

 

Thường sang quý IV là các doanh nghiệp (DN) sản xuất giày da xuất khẩu đã có đơn hàng sản xuất cho quý I năm sau. Nhưng năm nay, việc ký hợp đồng năm mới không mấy dễ dàng, nhất là những DN vừa và nhỏ.

Một công đoạn sản xuất giày ở Công ty cao su màu. Ảnh: V. Nam
Một công đoạn sản xuất giày ở Công ty cao su màu. Ảnh: V. Nam

Thị trường xuất khẩu giày dép của các DN trong nước hiện nay chủ yếu là Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Khi hai thị trường chính là Mỹ và châu Âu bị giảm sút thì các DN đã  tính đến việc mở thị trường mới, như: châu Phi, Trung Đông, Đông Âu để bù đắp cho lượng hàng sụt giảm. Tuy nhiên, việc khai thác những thị trường mới này cũng không phải dễ.

* Ăn đong đơn hàng

Bà Nguyễn Thu Diệu, trưởng phòng kinh doanh của Công ty sản xuất giày dép xuất khẩu Vĩnh Bình (ở TP.Hồ Chí Minh, xưởng sản xuất tại huyện Trảng Bom) cho biết, từ đầu năm đến nay, DN luôn ở tình trạng bị “đuối” đơn hàng sản xuất. Thông thường vào đầu năm, DN đã có hợp đồng sản xuất đến hết quý II, nhưng năm nay các đơn hàng chỉ gối đầu từ 1-2 tháng. Không chỉ vậy, sản lượng còn giảm khoảng 30% so với năm 2011. “Hàng của công ty tiêu thụ chính ở thị trường châu Âu, nhưng thông qua phân phối của một DN ở Hồng Kông. Từ cuối năm 2011, DN này bắt đầu giảm dần lượng hàng, họ cho biết  do hàng bán chậm nên không dám đặt hàng trước nhiều, vì vậy công ty luôn ở trong trường hợp phải chờ từng tháng”, bà Diệu chia sẻ. Hiện tại, Ban giám đốc Công ty Vĩnh Bình đang đàm phán hợp đồng đơn hàng cho tháng 1-2013. Năm nay, doanh thu của Vĩnh Bình chỉ đạt 15 tỷ đồng, giảm khoảng 15%  so với năm 2011. Theo bà Diệu, sở dĩ doanh thu thấp là vì số lượng hàng sản xuất giảm khá nhiều. Ở DN tư nhân Thiên Minh Phương (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thì tìm đơn hàng sản xuất còn khó khăn hơn, bởi DN chủ yếu làm hàng gia công cho một số công ty lớn ở Bình Dương. Bà Hoàng Kiều Phương, Phó giám đốc DN cho biết, sản lượng hàng năm nay của DN chỉ bằng 50% so với năm 2011. Từ giữa năm do không có việc làm đều đặn, công nhân đã nghỉ quá nửa.

 Chia sẻ về tình hình hoạt động sản xuất giày dép xuất khẩu năm nay, ông Trần Văn Tắc, Giám đốc Công ty giày Tuấn Việt (huyện Nhơn Trạch), hội viên của Hiệp hội Da - giày Việt Nam nhận xét, sản xuất giày dép xuất khẩu năm 2012 khó tìm kiếm đơn hàng do những thị trường tiêu thụ lớn rất khó khăn. Hiện tại, Tuấn Việt có đơn hàng sản xuất đến tháng 3 năm tới, cũng nhờ vào khách hàng truyền thống của DN là một công ty ở Ý khá nổi tiếng và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này nên tiêu thụ tạm ổn.

* Thị trường mới không dễ

Anh Nguyễn Văn Trung, trợ lý Tổng giám đốc Công ty giày Đông Quang (Bình Dương) cho hay, từ năm 2011 đến nay, DN anh đã triển khai nhiều cuộc tiếp cận thị trường mới là châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ. Kết quả sau gần 2 năm, DN chỉ phát triển được một ít ở thị trường Ấn Độ. “Khách hàng ở châu Phi luôn yêu cầu phải thanh toán chậm, đây cũng là việc khó vì ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn vốn, bên cạnh đó là rủi ro cao. Ở thị trường Trung Đông, nếu  không quen cũng rất khó đưa hàng vào mặc dù nhu cầu tiêu thụ hàng khá cao” - anh Trung nói.

Giữa năm 2012, Công ty Vĩnh Bình cũng thâm nhập thị trường Đông Âu với hy vọng tăng được lượng hàng để giảm bớt cảnh “ăn đong”, song bất thành do khách nơi đây đặt hàng với giá rất thấp, sản xuất không có lãi. Việc phát triển thêm được thị trường mới  trong giai đoạn này là điều mong ước của nhiều DN, với các vùng mới như Trung Đông hay châu Phi đòi hỏi DN phải có thời gian mới tiếp cận được.

Bà Phạm Thị Uyên Thi, Phó giám đốc Công ty aao su màu (Casum - xã Hóa An, TP.Biên Hòa) đơn vị đã từng có thị trường tại Trung Đông trước chiến tranh Iraq cho rằng, để mở thị trường ở đây, các DN mới cần thời gian nghiên cứu kỹ từ nhu cầu tiêu thụ, phương thức thanh toán đến vận chuyển hàng…

Vân Nam

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích