Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp nào để cứu ngành chăn nuôi?

10:11, 26/11/2012

Đó là vấn đề “nóng” được nhiều trang trại, công ty chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đặt ra tại hội thảo tìm giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, tổ chức tại huyện Thống Nhất vào chiều 26-11.        

Đó là vấn đề “nóng” được nhiều trang trại, công ty chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai đặt ra tại hội thảo tìm giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, tổ chức tại huyện Thống Nhất vào chiều 26-11.         

Nếu không có các giải pháp quyết liệt, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Ảnh: H.Giang
Nếu không có các giải pháp quyết liệt, người chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Ảnh: H.Giang

Hiện nay, giá heo, gà bán tại chuồng ở Đồng Nai tăng nhẹ giúp người chăn nuôi có thêm hy vọng. Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người chăn nuôi đặt ra là: liệu trong  thời gian tới, giá heo có tiếp tục tăng?

Người chăn nuôi điêu đứng

Gần 9 tháng qua, giá heo, gà luôn ở dưới giá thành khiến người chăn nuôi trong tỉnh thua lỗ nặng. Nguyên nhân lớn nhất làm giá heo, gà trong nước giảm mạnh là do thịt nhập khẩu tràn lan. Đặc biệt, việc nhập khẩu các phụ phẩm heo, gà quá rẻ (chỉ khoảng 16 ngàn đồng/kg) làm ngành chăn nuôi bị tê liệt. Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất nói: “Thống Nhất có tổng đàn heo, gà lớn nhất tỉnh. Từ tháng 5-2012 đến nay, giá heo, gà giảm đã khiến người chăn nuôi trong huyện bị thua lỗ trên 330 tỷ đồng”.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết: “Giá heo các nước lân cận khoảng 49-52 ngàn đồng/kg. Do đó, thời gian tới giá heo thịt trong nước sẽ tăng 6-7 ngàn đồng/kg. Cục Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ không cho nhập khẩu các loại nội tạng giá rẻ không đảm bảo chất lượng”. Ông cũng khẳng định, không có chuyện Cục Chăn nuôi kiến nghị cho nhập khẩu 100 ngàn tấn thịt trong dịp cuối năm”. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Chăn nuôi, nhập khẩu heo, gà từ đầu năm đến nay vào Việt Nam giảm nhiều. Cụ thể, số lượng thịt gà giảm 21%, thịt heo giảm 55%. Thời gian qua, giá heo, gà giảm một phần còn do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.

Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn nhận định: “Trong thời điểm này, người chăn nuôi phải vay vốn ngân hàng với lãi suất từ 11%/năm trở lên nên cầm chắc thua lỗ. Vì giá heo có nhích thêm 2-3 ngàn đồng/kg thì vẫn còn dưới giá thành. Nếu Nhà nước vẫn cho nhập khẩu thịt, nội tạng gia súc, gia cầm tràn lan vào dịp tết sẽ giết ngành chăn nuôi trong nước”.

Tìm cách tháo gỡ

Ngoài khó khăn về giá, người chăn nuôi  ở Đồng Nai đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và bất cập. Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, quản lý giống heo trên địa bàn còn lỏng lẻo khiến nguy cơ bùng phát lây lan dịch bệnh rất cao. Bên cạnh đó, chương trình bình ổn giá nên đưa trực tiếp về cho người chăn nuôi sẽ hiệu quả hơn. Nếu hai việc này làm tốt sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.

Xoay quanh vấn đề trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo khẳng định: “Thời gian tới,  sở tăng cường quản lý để giúp người dân có nguồn giống đảm bảo để chăn nuôi. Đồng thời, trong kỳ họp HĐND vào đầu tháng 12-2012, UBND tỉnh trình Đề án phát triển chăn nuôi bền vững. Trong đề án có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhằm xây dựng chuỗi thực phẩm gia súc, gia cầm an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP”.

 Tại hội thảo, theo ý  kiến của nhiều nhà khoa học, trong điều kiện chăn nuôi gặp trở ngại về giá, các trang trại cần có những giải pháp tự cứu mình. Trong đó, giải pháp hiệu quả nhất là tìm được nguồn nguyên liệu trong nước để giảm nhập khẩu nhằm hạ giá thành. Muốn làm được việc này, Nhà nước cần có những chính sách phát triển vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là rất cần thiết. GS. TS Nguyễn Ngọc Hải, Viện Khoa học Việt Nam khẳng định: “Khâu phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi rất quan trọng, vì để xảy ra dịch bệnh thiệt hại sẽ rất lớn. Vì vậy, người chăn nuôi nên áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn”.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều