Hy vọng về sự ấm dần lên của thị trường bất động sản cuối năm có vẻ như đang tan dần khi chỉ một vài dự án có thanh khoản trung bình. Trong khi đó, nhu cầu về đất nghĩa trang tuy “âm thầm” song khá lớn.
Hy vọng về sự ấm dần lên của thị trường bất động sản cuối năm có vẻ như đang tan dần khi chỉ một vài dự án có thanh khoản trung bình. Trong khi đó, nhu cầu về đất nghĩa trang tuy “âm thầm” song khá lớn.
Chưa đến mức quá tải như ở TP. Hồ Chí Minh, song quả thực, cùng với quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, TP. Biên Hòa trong vòng 5 - 10 năm tới sẽ phải nghĩ đến việc thiếu đất cho người đã khuất khi đến thời điểm này, 1 trong 2 nghĩa trang của thành phố đã phải đóng cửa vì hết chỗ.
* Giá nào cũng có
Hiện tại, Nghĩa trang nhân dân Biên Hòa - nghĩa trang quy mô lớn nhất của TP.Biên Hòa đang được Công ty TNHH MTV dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai quản lý, đặt tại xã Phước Tân. Ông Đoàn Trí Lan - Giám đốc Trung tâm nghĩa trang (Công ty TNHH MTV dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai) cho biết, tổng diện tích nghĩa trang này trên 33 hécta với sức chứa khoảng vài chục ngàn ngôi mộ. Hiện tại, nghĩa trang nhân dân Biên Hòa mới khai thác được vài năm với vài ngàn ngôi mộ, song chỉ dành riêng cho người dân Biên Hòa.
Phối cảnh công trình An viên Vĩnh Hằng. (Ảnh do Donacoop cung cấp) |
Ông Mai Hoàng Danh, chủ cơ sở mai táng Mai Phùng Xuân (TP. Biên Hòa) nhận xét, hiện tại, đất nghĩa trang không quá hiếm bởi vẫn được đáp ứng từ nhiều phía: nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang chùa, nhà thờ, dự án nghĩa trang của doanh nghiệp… Về giá, 1 huyệt mộ tại các nghĩa trang dao động từ 7-8 triệu đồng/phần. Nếu xây hoàn chỉnh, mỗi ngôi mộ có giá từ 20-30 triệu đồng. Riêng nghĩa trang tại các chùa ở TP. Biên Hòa hiện có nhiều mức giá. Trong đó, một vài chùa hiếm hoi miễn phí phần mua huyệt, còn lại đa số có giá khá cao. Theo ông Danh, tại vài ngôi chùa tên tuổi, giá một huyệt mộ có khi lên đến vài trăm triệu đồng.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, hiện toàn tỉnh có gần 1,3 ngàn hécta đất dành riêng để làm nghĩa trang, và trong quy hoạch đến năm 2015 sẽ thêm gần 300 hécta nữa. Tuy nhiên, số nghĩa trang này hầu hết là tự phát manh mún, nhỏ lẻ trong các khu dân cư, rất ít nghĩa trang được quy hoạch và xây dựng riêng hoàn chỉnh.
* Tính đường dài
Ông Mai Hoàng Danh cho biết, ngoài hình thức hỏa táng thì nhu cầu chôn cất người thân hiện tại vẫn rất lớn. Không chỉ “gói gọn” ở người dân địa phương, mà các nghĩa trang chùa, nghĩa trang nhà thờ còn phải “gánh” thêm một số người dân từ TP.Hồ Chí Minh xuống xin mua phần mộ do hiện tại, tình trạng đất chật người đông khiến các nghĩa trang tại TP.Hồ Chí Minh quá tải, không đáp ứng nổi nhu cầu.
Tuy nhiên, Nghĩa trang nhân dân Biên Hòa hiện chỉ ưu tiên cho người dân TP.Biên Hòa có hộ khẩu hoặc KT3, còn các nghĩa trang chùa, nhà thờ đòi hỏi một số các điều kiện thích hợp, do đó khả năng đáp ứng không cao. Vì vậy, một số doanh nghiệp đã manh nha nghĩ đến các dự án nhằm đáp ứng nhu cầu này, chủ yếu là mô hình công viên nghĩa trang. Điều này không còn mới lạ ở các địa phương khác, như: Bình Dương, Tây Ninh.
Tại Đồng Nai, dự án An viên Vĩnh Hằng được xem là dự án công viên nghĩa trang quy mô lớn đầu tiên, đang được thực hiện tại huyện Vĩnh Cửu. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc dự án này cho biết, hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 và từ đầu năm đã có khách mua. So với mặt bằng chung, giá 1 huyệt mộ tại An viên Vĩnh Hằng không rẻ, từ 28 triệu đồng/phần trở lên cho huyệt mộ nằm tại khu “bình dân” nhất. Tại một số khu vực khác, giá rẻ nhất cũng từ 350 triệu đồng.
Theo đó, có khá nhiều sản phẩm được nhà đầu tư đưa ra: bán huyệt mộ theo dòng tộc, tôn giáo, diện tích lớn nhỏ… cùng với một số đầu tư khác, như: chùa chiền, công trình tâm linh, cây xanh… Bà Hương cho biết, hiện dự án đã bán được cho hơn 100 khách, chủ yếu tại Biên Hòa và TP. Hồ Chí Minh. Dù nhu cầu trong tương lai đối với loại hình này được đánh giá là rất lớn và thị trường nhắm tới là TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương… những nơi có tốc độ đô thị hóa rất cao và đất đai ngày càng thu hẹp - song với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến cả ngàn tỷ đồng, xem ra dự án phải tính đường dài, ít nhất vài chục năm mới hy vọng hoàn vốn.
Vi Lâm