Báo Đồng Nai điện tử
En

Bán lá điều khô

09:11, 23/11/2012

 

Hơn nửa tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Gia Canh (huyện Định Quán) xuất hiện tình trạng nhiều người rủ nhau thu gom lá điều khô để bán cho thương lái. Điều này đã cho nông dân thêm thu nhập, nhưng nguồn lợi này có thực sự tốt?

 

 

Hơn nửa tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Gia Canh (huyện Định Quán) xuất hiện tình trạng nhiều người rủ nhau thu gom lá điều khô để bán cho thương lái. Điều này đã cho nông dân thêm thu nhập, nhưng nguồn lợi này có thực sự tốt?


Thu gom lá điều khô đem bán diễn ra rầm rộ gần 1 tháng nay tại huyện Định Quán.
Thu gom lá điều khô đem bán diễn ra rầm rộ gần 1 tháng nay tại huyện Định Quán.

 

Anh Ngô Kỳ Thịnh  (ấp 3, xã Gia Canh) - chủ một điểm thu mua lá điều cho biết, mỗi ngày anh mua được từ 7-8 tấn lá khô, với giá 1 ngàn đồng/kg. Sau đó, sơ chế bằng cách phun nước, ủ đến khi mục để công ty thu mua ép thành khối đưa đi tiêu thụ. Anh Thịnh cho biết: “Tôi đứng ra làm trung gian thu mua giùm người nhà nên cũng không rõ lá điều tiêu thụ ở đâu. Cũng không biết tên công ty, chỉ nghe nói mua về rồi đưa xuống cảng Vũng Tàu xuất khẩu sang nước ngoài làm phân bón”.

Ngoài việc thu mua lá điều khô, cơ sở này còn mua các loại lá cây khô khác. Tuy mỗi kg lá khô giá chỉ 1 ngàn đồng, nhưng thu hút khá nhiều người gom lá đi bán. Một phụ nữ chuyên đi gom, bán lá điều khô tại xã Gia Canh cho biết, chị thường đến các khu rẫy để xin quét lá điều khô và gom đi bán, ngày nào chịu khó cũng có thu nhập cả trăm ngàn đồng.

Thông thường, nông dân chỉ thu gom lá điều khô trước khi thu hoạch, rồi đốt tại rẫy, song hiện nay hầu hết lá đều được mang bán. Chính vì vậy, các vườn cây lâu năm của nông dân  quanh vùng trở nên sạch sẽ, thoáng đãng hơn. Song nguồn lợi này có thực sự tốt cho nông dân hay không thì còn phải xem lại, nhất là khi đang bước vào mùa khô, cây điều ở giai đoạn chuẩn bị ra bông. Bà Nguyễn Thị  Dòn - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Định Quán, phân tích: “Cây điều mỗi năm rụng lá một lần, tạo thành một lớp che phủ trên mặt đất cho rễ điều, nhờ vậy khả năng bào mòn dinh dưỡng được hạn chế đi. Khi đốt lá, tro điều có thể bổ sung một lượng kali lớn cho những năm sau này”. Theo bà Dòn, việc nhiều người gom hết lá điều đem bán là việc “lợi bất cập hại” bởi lâu dần có thể dẫn đến tình trạng suy kiệt dinh dưỡng trong đất, làm giảm năng suất và chất lượng trái khá nhiều.

Mai Linh

 

 
Tin xem nhiều