Cần mẫn, chịu khó nên chỉ riêng việc tận dụng tốt mảnh rẫy của mình, bà Đào Thị Là (huyện Cẩm Mỹ) đã có doanh thu hàng năm lên đến 2-3 tỷ đồng, khoản tiền khá lớn so với một hộ gia đình nông thôn.
Cần mẫn, chịu khó nên chỉ riêng việc tận dụng tốt mảnh rẫy của mình, bà Đào Thị Là (huyện Cẩm Mỹ) đã có doanh thu hàng năm lên đến 2-3 tỷ đồng, khoản tiền khá lớn so với một hộ gia đình nông thôn.
Thu nhập đến từ nhiều nguồn: nuôi heo, trồng cao su, cây ăn quả… và đặc biệt, từ việc tận dụng phế phẩm của trại heo cùng nguồn măng tươi tại địa phương, bà Là còn làm ra sản phẩm măng khô ngon nức tiếng.
Bà Đào Thị Là và sản phẩm măng khô do trang trại mình sản xuất. |
Quê gốc Thái Bình, vào miền Nam năm 1954, ban đầu bà Là cũng chỉ làm nông theo diện nhỏ lẻ, “được chăng hay chớ”. Sau nhiều năm tích cóp, đất đai rộng lớn thêm, bà quyết định tăng số lượng heo. Ban đầu trại có khoảng 500 con heo, sau tăng dần lên. Cách đây 3 năm, bà Là mạnh dạn vay tiền ngân hàng, đầu tư chuồng trại quy mô lớn. Hiện tại, trang trại của gia đình bà Là rộng khoảng 7 hécta, trong đó thường xuyên duy trì lượng heo bao gồm khoảng 4 ngàn con heo thịt và khoảng 100 con heo nái, cho nguồn thu nhập khá ổn định. Ngoài ra, đất đai còn dư, bà Là tận dụng trồng thêm cao su và một số loại cây ăn quả. Tuy nhiên, sản xuất măng khô mới là ngành nghề mà bà Đào Thị Là muốn theo đuổi và mở rộng quy mô, dù hiện tại, sản lượng hàng năm chưa lớn. Măng khô do trang trại bà Là sản xuất ra không đủ bán, hầu hết được tiêu thụ ở thị trường TP. Hồ Chí Minh và một số xuất sang Mỹ theo Việt kiều. Điều đặc biệt ở sản phẩm này là măng được sấy rất khô từ măng tươi thu mua tại địa phương, song khi chế biến vẫn giữ được vị thơm ngọt đặc trưng. Cách làm của bà Là là thu mua nguyên liệu thật tươi ngon, sau đó luộc và sấy măng. “Phải chọn măng thật non, luộc kỹ và sấy thật khô mới có thể giữ hương vị, dù cách làm này khiến măng bị hao hụt nhiều, giá thành cao hơn”. Khác với các loại măng khô trên thị trường, măng khô của bà Là rất mỏng, nhẹ, khô ráo, để được rất lâu và dễ vận chuyển. Để làm nên 1kg măng khô, bà Là phải sử dụng đến hơn 50kg măng tươi. Hiện tại mỗi năm, bà Đào Thị Là sản xuất được khoảng 1 tấn măng khô thành phẩm, cho doanh thu 450 - 500 triệu đồng. Theo đó, nhu cầu hiện tại đang tăng mạnh nên bà cho biết, sẽ tính đến chuyện đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất và tính đến chuyện xuất khẩu măng khô sang Mỹ theo diện chính ngạch.
Theo bà Là, làm nông nghiệp bền vững theo kiểu hộ gia đình đòi hỏi sự tính toán, chắt chiu, phải tận dụng phế phẩm của vật nuôi để trồng cây, nuôi cá hoặc làm khí đốt… Điều này giúp chi phí giảm, lâu dần có thể tăng quy mô. “Đi lên từ hai bàn tay trắng nên không phải nông dân nào cũng có thể đầu tư bài bản ngay từ đầu. Để có được một trang trại dù quy mô không quá lớn nhưng sản xuất có hiệu quả, tôi cũng phải tính toán để không bỏ phí nguồn lực nào từ mảnh vườn của mình” - bà Là nói.
Gia Hân