Báo Đồng Nai điện tử
En

Thí điểm cánh đồng chất lượng cao

09:10, 19/10/2012

Gần đây, nhiều huyện đã áp dụng mô hình cánh đồng lúa chất cao cho kết quả tương đối khả quan. Nhiều người đã bắt đầu hy vọng điều này sẽ thay đổi cách canh tác theo kiểu “mạnh ai nấy làm” trước đây - vốn là cách làm không mang lại năng suất như ý.

Gần đây, nhiều huyện đã áp dụng mô hình cánh đồng lúa chất cao cho kết quả tương đối khả quan. Nhiều người đã bắt đầu hy vọng điều này sẽ thay đổi cách canh tác theo kiểu “mạnh ai nấy làm” trước đây - vốn là cách làm không mang lại năng suất như ý.

Mỗi năm, nông dân Đồng Nai gieo trồng gần 70 ngàn hécta và cung cấp cho thị trường trên 320 ngàn tấn lúa. Thời gian qua, các giống lúa cũ đang dần được thay bằng các giống mới có năng suất cao hơn. Đầu năm 2012, mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao được làm thí điểm tại huyện Vĩnh Cửu và sau đó nhân rộng ra nhiều địa phương.

* Giảm nhiều chi phí

Vụ đông - xuân 2011-2012, Đồng Nai tiến hành thí điểm cánh đồng lúa chất lượng cao 10 hécta ở ấp Cây Xoài, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu). Kết quả là lợi nhuận của nông dân tăng gần gấp đôi so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Ông Trương Văn Thành ở ấp Cây Xoài - người từng tham gia làm điểm cánh đồng lúa chất lượng cao nói: “Canh tác theo kiểu cũ khi được mùa, trúng giá cũng chỉ lời 16-17 triệu đồng/hécta/vụ. Nhưng tham gia làm cánh đồng lúa chất lượng cao năng suất tăng thêm khoảng 1 tấn/hécta/vụ. Ngoài ra, do gieo trồng giống lúa chất lượng cao nên giá bán cao hơn loại lúa thường, lợi nhuận tăng gấp 1,5 lần”.

Thực hiện cánh đồng lúa chất lượng cao, nông dân có thể đưa máy móc vào thay sức người. Trong ảnh: Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: H. Giang
Thực hiện cánh đồng lúa chất lượng cao, nông dân có thể đưa máy móc vào thay sức người. Trong ảnh: Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: H. Giang

Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu nhận định: “Thực hiện cánh đồng lúa chất lượng cao, đem lại nhiều điểm lợi cho nông dân và chính quyền địa phương. Cụ thể, giữa nông dân và chính quyền có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong khâu quản lý, chuyển giao khoa học kỹ thuật; giữa nông dân với nông dân có sự liên kết; giảm được giống lúa gieo sạ, năng suất, chất lượng tăng và gieo sạ xuống giống đồng loạt dễ quản lý dịch bệnh, khi thu hoạch cho sản phẩm đồng đều với số lượng lớn”. Các hộ dân đã tham gia cánh đồng lúa chất lượng cao cho hay, làm theo mô hình này giảm được số lượng giống từ 30-40 kg/hécta/vụ, lúa gieo sạ đồng loạt bớt bị sâu bệnh giảm được tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt.

Sau kết quả khả quan của Vĩnh Cửu, một số huyện khác, như: Long Thành, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú cũng đồng loạt triển khai thí điểm cánh đồng lúa chất lượng cao trong vụ hè - thu và vụ mùa năm 2012. Hầu hết, mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao đều giúp nông dân tăng lợi nhuận. Đồng thời, đây là các bước tiến đến sản xuất lúa theo hướng VietGAP.

* Mở rộng nhiều cây trồng

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Ngoài cây lúa, tới đây tỉnh sẽ triển khai cánh đồng chất lượng cao với nhiều loại cây trồng khác, như: bắp, mía, mì, đậu, cây ăn trái. Mục đích là để chuyển giao đến cho nông dân các quy trình kỹ thuật sản xuất mới đẩy cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nông sản làm ra đảm bảo chất lượng, có số lượng lớn sẽ dễ dàng hơn trong khâu tiêu thụ”. Hiện nay, tỉnh có dự kiến sau khi hình thành cánh đồng chất lượng cao với một số cây trồng sẽ làm cầu nối gắn kết nông dân với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh để nông dân có đầu ra ổn định, yên tâm đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng.

Theo ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, với cây lúa, nhiều vùng trong tỉnh có thể triển khai cánh đồng chất lượng cao lên đến 100-200 hécta/vụ. Tham gia cánh đồng chất lượng cao, nông dân cùng làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch nên có thể đưa các loại máy móc nông nghiệp vào các khâu sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Trong điều kiện lao động nông nghiệp ngày một thiếu, việc áp dụng cánh đồng chất lượng cao với các loại cây trồng để đưa máy móc vào thay sức người sẽ là giải pháp giúp nông dân giảm áp lực thiếu lao động mùa vụ. Đồng thời, nông sản được sản xuất theo hướng hàng hóa nếu liên kết được với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, nông dân dễ bán được giá cao hơn vì bớt được nhiều khâu trung gian.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều