Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch chăn nuôi - nút thắt khó gỡ

09:10, 01/10/2012

Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước quy hoạch được vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi. Thế nhưng, để các trang trại chăn nuôi di dời vào vùng quy hoạch là điều không dễ.

Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước quy hoạch được vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi. Thế nhưng, để các trang trại chăn nuôi di dời vào vùng quy hoạch là điều không dễ.

Từ năm 2008 đến năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 139 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi với diện tích gần 15.700 hécta. Tuy nhiên, muốn các vùng quy hoạch chăn nuôi thu hút được các trang trại di dời và đầu tư vào, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực.

* Khó trăm bề

Mặc dù vùng quy hoạch chăn nuôi đã được các huyện, thị công bố và một số nơi đã tiến hành cắm mốc để người dân biết có thể di dời vào, nhưng đến nay chỉ có 370/1.810 trang trại nằm trong vùng quy hoạch. Ông Nguyễn Công Khanh, chủ trang trại heo ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nói: “Hầu hết vốn liếng của gia đình tôi đều dồn vào đầu tư chuồng trại để chăn nuôi. Bây giờ di dời vào vùng quy hoạch và muốn chăn nuôi lại như cũ tôi phải có khoảng 7 tỷ đồng. Bởi riêng tiền mua đất để làm trang trại hết khoảng 5 tỷ đồng, xây dựng trang trại khoảng 2 tỷ đồng, chưa kể công di dời… Nếu Nhà nước không hỗ trợ khâu thuê hoặc mua đất, tôi nghĩ trang trại của tôi cũng như nhiều trang trại khác khó mà di dời được”.

Một trang trại gà ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) nếu di dời vào vùng quy hoạch cần có vốn 4-5 tỷ đồng. Ảnh: K. Minh
Một trang trại gà ở xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) nếu di dời vào vùng quy hoạch cần có vốn 4-5 tỷ đồng. Ảnh: K. Minh

Khó khăn của ông Khanh cũng là nỗi niềm chung của nhiều trang trại nằm ngoài vùng quy hoạch buộc phải di dời vào vùng quy hoạch khuyến khích chăn nuôi.

Ông Đặng Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bom, cho biết: “Các vùng quy hoạch chăn nuôi triển khai chậm là do sau khi công bố quy hoạch, giá đất trong các vùng này tăng cao gấp nhiều lần khiến những hộ có nhu cầu không mua nổi. Bên cạnh đó, hạ tầng trong các khu quy hoạch hầu hết chưa có cũng là rào cản lớn”.

Theo kiến nghị của các huyện, muốn thu hút được các trang trại, người chăn nuôi đầu tư vào vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng, gồm: đường, điện, nước... Đồng thời, để tránh tình trạng đẩy giá đất lên cao, Nhà nước nên thu hồi đất và cho thuê lại.

* Sẽ làm thí điểm

Quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi ở các huyện, thị đã được tỉnh phê duyệt cách đây hơn 3 năm, nhưng phần lớn vẫn giậm chân tại chỗ. Muốn các hộ chăn nuôi di chuyển vào vùng quy hoạch là việc không dễ, vì chủ trang trại phải có một khoản tiền lớn để mua đất, xây dựng chuồng trại. Thực tế, chăn nuôi gần 1 năm qua, giá heo, gà luôn nằm dưới giá thành khiến người chăn nuôi thua lỗ lớn, nhiều hộ đang phải cầm nhà, đất để duy trì đàn, việc di dời trang trại trong 1-2 năm tới là ngoài khả năng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho hay: “Tỉnh đã yêu cầu mỗi huyện, thị chọn ra một vùng quy hoạch chăn nuôi để làm điểm. Tại các vùng điểm này, tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng và ưu tiên những hộ đăng ký di dời trước. Trong những vùng quy hoạch chăn nuôi, nếu xảy ra tình trạng đầu cơ nâng giá đất lên cao, các địa phương kiến nghị tỉnh sẽ tiến hành thu hồi đất. Bên cạnh đó, các địa phương ghi ngân sách đầu tư cho quy hoạch chăn nuôi trong nguồn chi cho nông nghiệp”.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Đồng Nai là tỉnh có ngành chăn nuôi lớn, việc di dời các trang trại vào trong vùng quy hoạch là để quản lý chăn nuôi, dịch bệnh được tốt hơn,  từng bước hình thành vùng chăn nuôi an toàn nhằm cung cấp cho thị trường nguồn thịt sạch. Vì thế, thời gian tới Sở yêu cầu các địa phương rà soát, tổng hợp chi tiết những khó khăn, vướng mắc của người chăn nuôi, của địa phương để kiến nghị tỉnh có hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời”.

 Theo ông Nguyễn Lục Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, muốn thực hiện được các vùng quy hoạch chăn nuôi, các địa phương nên lồng ghép các chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, các địa phương xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể và chọn những nơi dễ để làm trước.

Thực tế, muốn các trang trại di chuyển vào vùng quy hoạch chăn nuôi là rất khó khăn. Bởi muốn chuyển vào vùng quy hoạch, họ phải có một số vốn rất lớn mà tự thân rất ít trang trại đủ điều kiện.

Khánh Minh

 

 

Tin xem nhiều