Nhu cầu nhà ở của công nhân (NƠCN) là rất lớn, thế nhưng “miếng bánh” này lại không mấy hấp dẫn đối với các doanh nghiệp (DN). Chính vì vậy, trong 8 đối tượng thuộc “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” của Chính phủ thì NƠCN nằm ở mức quan tâm đặc biệt và Bộ Xây dựng cho biết, sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.
Nhu cầu nhà ở của công nhân (NƠCN) là rất lớn, thế nhưng “miếng bánh” này lại không mấy hấp dẫn đối với các doanh nghiệp (DN). Chính vì vậy, trong 8 đối tượng thuộc “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” của Chính phủ thì NƠCN nằm ở mức quan tâm đặc biệt và Bộ Xây dựng cho biết, sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.
Đến nay, tổng số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) và cụm CN trên địa bàn tỉnh khoảng 400 ngàn người, trong đó 60% là lao động nhập cư. Theo ước tính của Sở Xây dựng, có khoảng 280 ngàn người có nhu cầu thuê nhà ở. Theo dự báo đến năm 2015, số công nhân đến làm việc tại các KCN sẽ tăng thêm khoảng 120 ngàn người và khoảng 80 ngàn người nữa có nhu cầu nhà ở.
* “Điểm danh” doanh nghiệp xây nhà
Tại buổi làm việc về nhà ở xã hội với đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn vào ngày 19-10, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết, nhu cầu NƠCN trên địa bàn tỉnh là rất lớn, nhưng để thực hiện được chương trình này là không đơn giản. Hiện Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh chỉ có trên 100 tỷ đồng, so với nhu cầu đầu tư thì không “thấm vào đâu”. Các DN không mặn mà do vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi lâu. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng xác định ở chương trình này, các DN có vốn nhà nước nên đóng vai trò tiên phong. Bộ trưởng cũng đã “điểm danh” và giao nhiệm vụ cho một số DN như: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Phát triển đô thị và KCN (IDICO), Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC)… sẽ tiên phong tham gia vào các dự án xây dựng NƠCN để đến năm 2015 phải có 60 ngàn căn hộ, đáp ứng 50% nhu cầu NƠCN trên địa bàn Đồng Nai.
Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng (ngoài cùng bên trái) làm trưởng đoàn đi thăm dự án xây dựng NƠCN của Tổng công ty IDICO tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: K. Giới |
Hiện nay, IDICO đang lập dự án đầu tư khu NƠCN có diện tích 10 hécta với quy mô 3 ngàn căn hộ gần KCN Nhơn Trạch 1. Ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc Tổng công ty IDICO cho biết, dự án này vừa bán vừa cho thuê, bởi với tình hình tài chính hiện tại, DN đầu tư NƠCN nếu chỉ cho thuê sẽ rất khó khăn vì thu hồi vốn rất chậm, có khi kéo dài từ 18 đến 20 năm. Theo ông Đạt, nếu dự án được nhà nước miễn tiền sử dụng đất và có những chính sách hỗ trợ khác thì giá 1 căn hộ thấp nhất là khoảng 120 triệu đồng và cao nhất khoảng 270 triệu đồng. Các khu nhà sẽ có đầy đủ tiện ích như: nhà trẻ, chợ, công viên (3 hécta), trường học. Ông Đạt chia sẻ: “Tôi nghĩ cần có sự phối hợp của cả phía ngân hàng nhằm hỗ trợ cho các công nhân có nhu cầu mua nhà vay với lãi suất ưu đãi, trả chậm. Chúng tôi tính toán, nếu công nhân mua một căn hộ với giá 120 triệu đồng, trả trước 30% còn 70% được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, trả cả gốc và lãi khoảng 1 triệu đồng/tháng thì sau 8 năm, người công nhân đó có được căn hộ. Công nhân ở chính căn nhà của mình tốt hơn đi thuê nhà trọ và điều kiện ở khu dân cư sẽ đảm bảo hơn”.
* Cần thêm chính sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và bất động sản - Bộ Xây dựng cũng cho rằng, trong những năm vừa qua tốc độ phát triển công nghiệp trong nước rất mạnh. Theo thống kê của Bộ xây dựng, cả nước có khoảng 270 KCN được hình thành, thu hút 1,5 triệu lao động vào làm việc. Ngoài ra, Việt Nam phấn đấu trở thành nước cơ bản công nghiệp hóa vào năm 2020, vì vậy nhu cầu NƠCN càng tăng. Số lượng công nhân lớn, song thực tế nhà ở vẫn rất khó khăn. Đến nay, Nhà nước và các DN đầu tư mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu NƠCN, 80% còn lại vẫn đang phải thuê nhà trọ của các hộ dân quanh KCN. Về chất lượng, chỉ một số nhà ở đảm bảo, còn lại phần lớn chưa đạt. “Cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong 8 đối tượng phát triển nhà ở này thì NƠCN tại các KCN và các nhà máy, xí nghiệp lớn được đặc biệt chú trọng. Bộ Xây dựng đang phối hợp với các địa phương để hoàn thiện các chính sách hỗ trợ. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ đáp ứng 60% số công nhân có nhu cầu nhà ở được thuê hoặc mua nhà trong dự án phát triển NƠCN” - ông Hà nói.
Ông Hà cũng cho biết thêm, trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 của Chính phủ nêu rõ, xây dựng NƠCN ngoài trách nhiệm của Nhà nước còn có trách nhiệm của DN sử dụng lao động trong KCN, DN kinh doanh bất động sản, DN đầu tư hạ tầng KCN và huy động nguồn lực của các hộ gia đình gần KCN. Vì vậy, Nhà nước sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, như: miễn tiền sử dụng đất cho dự án xây dựng NƠCN; chủ dự án được vay vốn ưu đãi của Chính phủ hoặc được hỗ trợ lãi suất tùy theo điều kiện của địa phương; được hỗ trợ những công trình ngoài hàng rào, như: đường, điện, nước; ưu đãi về thuế… Các dự án này còn được tạo điều kiện nhanh về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản.
Khắc Giới