Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưa lũ gây thiệt hại tiền tỷ

07:10, 02/10/2012

Trong hai ngày 30-9 và 1-10, mưa lớn kèm thủy triều dâng và các hồ thủy điện xả lũ khiến nhiều đoạn đường, khu vực dân cư thuộc TP. Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch… bị ngập. Riêng xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), nước dâng làm nhiều ao cá bị tràn, thiệt hại theo ước tính ban đầu là hơn 4 tỷ đồng.

Trong hai ngày 30-9 và 1-10, mưa lớn kèm thủy triều dâng và các hồ thủy điện xả lũ khiến nhiều đoạn đường, khu vực dân cư thuộc TP. Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch… bị ngập. Riêng xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), nước dâng làm nhiều ao cá bị tràn, thiệt hại theo ước tính ban đầu là hơn 4 tỷ đồng.

Vua cá rô đồng rơi lệ

Chiều 1-10, chúng tôi tìm đến “lãnh địa” của vua cá rô đồng Nguyễn Hoàng Vĩnh ở ấp 4, xã Tân Hạnh. Chỉ sau một đêm, vài tỷ đồng tưởng như cầm chắc trong tay của ông bỗng tan thành mây khói. Gương mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, ông Vĩnh xót xa kể: “Từ đêm  30-9 đến rạng sáng 1-10, triều cường, mưa lớn và thủy điện xả lũ khiến nước về ngập tràn các ao làm tôi trở tay không kịp. Có những ao tôi đang nuôi cá lóc khoảng 1 tháng nữa đến thời điểm thu hoạch nhưng đã bị mất gần hết. Ước thiệt hại của riêng gia đình tôi là 3 tỷ đồng”.

Hộ ông Nguyễn Hoàng Vĩnh ở ấp 4, xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) thuê thợ thu hoạch vét cá trong ao để bán. Ảnh: H. Giang
Hộ ông Nguyễn Hoàng Vĩnh ở ấp 4, xã Tân Hạnh (TP. Biên Hòa) thuê thợ thu hoạch vét cá trong ao để bán. Ảnh: H. Giang

Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Hạnh Vũ Quyền Lương, lũ về làm ngập 25 hécta ao hồ của 12 hộ dân, gây thiệt hại theo ước tính ban đầu là trên 4 tỷ đồng. Các ao này đa số nuôi cá lóc, cá lăng, cá tra, cá trắm… dạng công nghiệp. Ông Trần Minh Khanh ở ấp 4, than:  “Hơn 6 hécta ao nuôi cá các loại của tôi bị nước về ngập làm thiệt hại đến 80%. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được tôi đều dồn vào đầu tư nuôi cá, tưởng tới đây kiếm được số lời lớn, không ngờ chỉ sau một đêm đã mất trắng. Chỉ tính riêng tiền vốn mua giống của tôi đã hơn 200 triệu đồng, nếu cộng cả tiền công, tiền mua thức ăn thủy sản phải lên đến 500 triệu đồng”.

Cả vùng ấp 4 của xã Tân Hạnh sau khi nước rút trở nên tan hoang. Hầu hết các hộ đều tranh thủ thuê thợ hoặc tìm thương lái đến để thu hoạch vét chỗ cá còn lại bán với giá rẻ hơn thường ngày từ 4-5 ngàn đồng/kg mong vớt vát chút đỉnh vì lo nước lớn tiếp tục tràn về. Sau 12 năm, họ mới gặp lũ về lớn như vậy...

Tại phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), mưa lớn, thủy triều trên sông dâng cao cũng gây ngập hàng ngàn căn nhà của dân. Ông Trương Văn Khiêm, cán bộ kinh tế phường, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của phường nói: “Khoảng 4 ngày nay, mưa lớn làm nhiều hộ dân trong phường thường xuyên bị ngập sâu trong nước. Ngập lụt làm đời sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề”.

Áp thấp nhiệt đới đang mạnh dần lên khả năng chuyển thành bão khiến khu vực phía Nam thường xuyên có mưa lớn. Mưa lớn, nước ở các sông dâng cao, các hồ thủy điện xả lũ khiến người dân ở những vùng trũng thuộc TP. Biên Hòa bị ảnh hưởng không nhỏ.

Mưa lũ vẫn còn

Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cho biết: “Hai tuần đầu tháng 10-2012, khu vực trong tỉnh chịu ảnh hưởng bởi rãnh thấp có trục nối với vùng áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa biển Đông làm gió Tây Nam mạnh lên, trời nhiều mây, thường xuyên có mưa rào nhiều nơi. Tại TP.Biên Hòa, hạ lưu sông Đồng Nai, đỉnh triều cường xuất hiện vào các ngày 1 và 2-10, tiếp đó là ngày 16 và 17-10. Trong những ngày này, mực nước có thể lên trên báo động 3, cao hơn trung bình nhiều năm hơn 0,5m”. Tại TP.Biên Hòa, mực nước lên trên báo động 3 sẽ gây ngập nhiều vùng trũng ven sông.

Nước hạ lưu sông Đồng Nai lên trên báo động 3 gây ngập đường Nguyễn Văn Trị (TP. Biên Hòa).
Nước hạ lưu sông Đồng Nai lên trên báo động 3 gây ngập đường Nguyễn Văn Trị (TP. Biên Hòa).

Ngoài ra, cũng theo ông Huy, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên cũng sẽ làm lưu lượng nước đổ về nhiều, buộc các hồ phải xả tràn. Đây cũng là một trong những nguy cơ có thể gây lụt ở hạ lưu. Vừa qua, thủy triều, mưa lớn cộng với Nhà máy thủy điện Cần Đơn (tỉnh Bình Phước), Nhà máy thủy điện Trị An xả lũ với tổng lưu lượng khoảng 2 ngàn m3/giây cũng góp phần làm cho khu vực hạ lưu thêm ngập lụt. Ông Võ Tấn Nhẫn, Phó giám đốc Công ty thủy điện Trị An cho biết: Để đảm bảo an toàn cho hồ chứa, mỗi ngày nhà máy xả về hạ du hơn 1.500 m3/giây. Nếu những ngày tới mưa nhiều, lưu lượng nước về hồ tăng cao, nhà máy buộc phải tăng lượng xả tràn”.

 Trên sông La Ngà, lũ vẫn về trên mức báo động 2 và lệ thuộc vào sự điều tiết của hồ Đa Mi - Hàm Thuận (tỉnh Bình Thuận). Như vậy trong tháng 10-2012, vẫn là tháng cao điểm của mưa lũ, bão.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều