Họ là những nông dân gắn bó sâu sắc với đồng ruộng. Và từ những mảnh đất, dù màu mỡ hay khô cằn, qua tay họ đều sinh lợi nhuận cao. Vì đó là những nông dân dám nghĩ, dám làm.
Họ là những nông dân gắn bó sâu sắc với đồng ruộng. Và từ những mảnh đất, dù màu mỡ hay khô cằn, qua tay họ đều sinh lợi nhuận cao. Vì đó là những nông dân dám nghĩ, dám làm.
Ý nghĩ chung nhất của những người này là phải tích tụ diện tích đất lớn, đồng thời đưa nhiều máy móc vào sản xuất. Bên cạnh đó, họ áp dụng khoa học để đẩy cao năng suất, chất lượng của cây trồng.
* Thuê đất để làm giàu
Về xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) nhắc đến ông Trương Hùng Dũng thì rất nhiều người biết. Bởi ông là một trong số ít người có diện tích mía khá lớn mà một số người quen gọi là “đại gia” trong nghề trồng mía. Ngoài diện tích mía của gia đình gần 30 hécta, ông còn thuê gần 300 hécta đất để trồng thêm mía, “lấn sang” cả huyện Cẩm Mỹ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thuê đất. Đất ông thuê cũng đủ loại, có khi là đất của những hộ thiếu lao động sản xuất, đất các khu quy hoạch nhưng chưa sử dụng đến.
Ông Lê Đình Thường ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) trong vườn tiêu được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Ảnh: H. Giang |
Ông Dũng chia sẻ: “Thấy nhiều vùng quy hoạch đất bỏ trống và cũng nhiều hộ có vài sào đất liền nhau nhưng thiếu lao động, tôi hỏi thuê. Thấy cho thuê đất lợi nhuận cao hơn tự sản xuất, không ít hộ đã cho thuê, thế là tôi có mảnh đất lớn để canh tác. Lợi nhuận đem lại tuy lớn, song công sức tôi bỏ ra rất nhiều”. Đúng như lời ông nói, hàng ngày hầu như ông có mặt ngoài đồng, hết chỉ thợ bón phân, lại đến quản thợ bóc lá mía. Ông đi lại như con thoi, thoắt từ huyện Trảng Bom sang huyện Cẩm Mỹ rồi qua Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào vụ thu hoạch có khi vài ngày ông không về nhà. Đáp lại những vất vả đó, mỗi năm ông Dũng thu lãi đến vài tỷ đồng.
Tương tự, anh Lâm Minh Hoàng ở ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân (TX. Long Khánh) cũng cho biết: “Đất của gia đình tôi không nhiều, nên tôi phải mướn thêm đất vườn của một số hộ khác để canh tác. Đất thuê được đa số đã trồng cây ăn trái, nhưng không có điều kiện, nhân công để chăm sóc. Sau khi ký hợp đồng với các hộ, tôi đầu tư cải tạo vườn và áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất”. Với kinh nghiệm có sẵn và tính ham học hỏi, các vườn cây ăn trái thuê được qua tay anh Hoàng đều cho năng suất chất lượng cao. Do đó, lợi nhuận anh Hoàng thu được trên một hécta thường cao hơn nhiều so với các hộ trồng cây ăn trái trong vùng.
* Khoa học làm đầu
Cũng có nông dân không có diện tích nhiều, chỉ một vài hécta nhưng họ vẫn thu lãi tiền tỷ mỗi năm, bởi sự mạnh dạn trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, đẩy năng suất tăng gấp 2-4 lần, trong khi chi phí đầu vào không tăng. Ông Lê Đình Thường ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) nói: “Tôi có khoảng 4 hécta tiêu, khi còn sản xuất theo hướng truyền thống, năng suất chỉ đạt trên 2 tấn/hécta/năm và vườn tiêu rất hay sâu bệnh. Từ năm 2008, tôi vay vốn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân qua đường ống và tăng lượng phân bón hữu cơ, giảm phân hóa học cùng một số các biện pháp canh tác mới nên năng suất cây tiêu tăng gấp 2 lần. Gần 3 năm nay, giá tiêu luôn ở mức cao cho tôi thu lời hơn 1 tỷ đồng/năm”. Khi có lợi nhuận cao, ông Thường đầu tư xây dựng lò sấy để sấy tiêu cho mình và sấy thuê cho các hộ lân cận. Có máy sấy nên chất lượng tiêu sau thu hoạch được đảm bảo, giúp ông có thể trữ hàng trong thời gian dài đợi giá cao mới bán ra.
Ông Trần Hữu Thắng, cũng ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) chỉ có hơn 1 hécta tiêu cho lợi nhuận từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Có được kết quả trên do ông ứng dụng các tiến bộ khoa học vào trong khâu chăm sóc, năng suất tiêu từ hơn 2 tấn/hécta/năm tăng lên 7-10 tấn/hécta/năm. Và 6 năm nay, năng suất tiêu của ông luôn giữ mức cao như vậy nên nhiều người cho ông là người năng suất tiêu kỷ lục của tỉnh.
Hương Giang