Báo Đồng Nai điện tử
En

Khắc khoải vì dự án… treo! (Bài 2)

10:10, 28/10/2012

Không chỉ nông dân mà người dân ở thành thị nghe nói tới quy hoạch là ngán sợ. Bởi trong suy nghĩ của nhiều người dân, quy hoạch đồng nghĩa với việc mất đất sản xuất hoặc phải di dời đến nơi ở mới, đời sống sẽ khó khăn hơn.

Ớn quy hoạch treo

Không chỉ nông dân mà người dân ở thành thị nghe nói tới quy hoạch là ngán sợ. Bởi trong suy nghĩ của nhiều người dân, quy hoạch đồng nghĩa với việc mất đất sản xuất hoặc phải di dời đến nơi ở mới, đời sống sẽ khó khăn hơn.[links(right)]

Theo ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai, trong tổng số các vụ khiếu kiện trên cả nước có đến 70% là khiếu kiện về đất đai. Đa phần người dân khiếu nại khâu bồi thường kéo dài hoặc mức bồi thường quá thấp. Do đó, không chỉ riêng Đồng Nai mà nhiều tỉnh thành khác trong cả nước cứ nói đến quy hoạch là người dân cảm thấy bất an.

* Thành người mang nợ

Sau khi quy hoạch dự án (DA), người dân bị thu hồi nhà, đất sẽ được bồi thường một khoản tiền, nếu giải tỏa trắng sẽ được bố trí tái định cư. Không ít nông dân sau khi bị thu hồi toàn bộ nhà, đất thì số tiền bồi thường chỉ đủ họ xây dựng xong căn nhà. Vào khu tái định cư thì không còn đất sản xuất, những nông dân lớn tuổi không kiếm được việc làm đành chấp nhận cảnh đi làm thuê để sống qua ngày.

Nhà bà Nguyễn Thị Châu ở KP5, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) đã xuống cấp trầm trọng nhưng bị quy hoạch không thể sửa chữa. Ảnh: H.Giang
Nhà bà Nguyễn Thị Châu ở KP5, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) đã xuống cấp trầm trọng nhưng bị quy hoạch không thể sửa chữa. Ảnh: H.Giang

Ông Lê Đà ở ấp 2, xã Long An (huyện Long Thành) cho hay: “Trước đây, gia đình tôi có gần 3 sào đất vừa trồng cam vừa chăn nuôi cuộc sống cũng tạm ổn. Sau khi đất của tôi bị quy hoạch, giải tỏa trắng nên được bố trí ra khu tái định cư này. Số tiền bồi thường chỉ đủ cho tôi xây nhà, còn nợ tiền đất gần 100 triệu đồng chưa trả. Hiện vợ chồng tôi đã ngoài 60 tuổi, đất không có lại ôm một khoản nợ lớn chẳng biết làm gì để sống, nương tựa vào con cái thì chúng đều làm công nhân, cuộc sống không dư dả”.

Nỗi niềm của ông Đà cũng là tâm sự chung của nhiều người dân ở khu tái định cư ấp 2, xã Long An. Tại khu tái định cư này dù đường trải nhựa, nhà cửa được xây dựng mới khang trang, nhưng mặt ai cũng kém vui vì phải lo ăn từng bữa và lo đến hạn phải nộp tiền đất còn nợ lấy tiền đâu để trả. Lớp trẻ thì có thể đi làm công nhân, nhưng người trung niên và lớn tuổi không thể xin việc được ở các công ty đành làm thuê gì đó, thu nhập bấp bênh dẫn đến đời sống ngày càng khó khăn.

Anh Lê Trí Đức, ấp 2, xã Long An kể: “Lúc tôi lập gia đình, cha mẹ chia cho miếng đất vườn xây nhà để ở, cuộc sống tuy không khá giả nhưng cũng ổn định. Năm 2009, Nhà nước quy hoạch, gia đình tôi bị giải tỏa trắng. Trước đây, tôi ra riêng xây nhà cùng trên mảnh vườn với cha nên không tách khẩu, làm giấy chuyển nhượng đất nên bây giờ tái định cư phải đóng tiền đất, hạ tầng hơn 200 triệu đồng mới được bố trí một nền nhà. Để cất được căn nhà gần như cũ, tôi vay mượn thêm 100 triệu đồng, đang sống yên lành bỗng dưng bị quy hoạch, tôi thành người mang nợ hơn 300 triệu đồng! Hiện nay, lương công nhân của vợ chồng tôi chỉ đủ chi dùng, nên khoản nợ kia chẳng biết bao giờ trả nổi”. Đây chính là thực tế ở nhiều khu tái định cư.

* Nhiều năm thấp thỏm

Trong cái nắng hầm hập của một buổi chiều cuối tháng 10-2012, chúng tôi ghé lại KP5, phường Thống Nhất (TP. Biên Hòa), nhắc đến DA đang quy hoạch ở khu vực này hầu hết người dân đều tỏ ra bức xúc. Bà Nguyễn Thị Châu ở KP5, phường Thống Nhất, nói: “Hơn 6 năm nay, khu vực này bị quy hoạch cho Công ty D2D thực hiện DA, nhưng không hiểu sao công ty chỉ gặp dân một lần lúc công bố quy hoạch rồi im luôn! Báo hại gia đình chúng tôi có 8 người nhà cửa xuống cấp không thể sửa sang, xây thêm phòng. Vào mùa mưa, ít có đêm nào gia đình tôi được yên giấc vì chỉ sợ mưa lớn, nước tràn vào nhà trở tay không kịp”.

Bà nguyễn Thị Tân cũng ở KP5, phường Thống Nhất, cho hay: “Tôi và bà con khu vực này cứ nghe nói đến quy hoạch là ớn lạnh! Tôi đã ngoài 50 tuổi, ở đây mở quán tạp hóa mỗi ngày cũng kiếm đủ tiền nuôi bản thân và lo cho hai con học hành. Giờ giải tỏa trắng, bố trí tái định cư ở phường nào đó xa lắc ngoài ngoại ô thì cuộc sống sẽ bị đảo lộn, việc học hành của bọn trẻ bị xáo trộn. Về nơi mới, dân cư thưa thớt, nhà cửa chật hẹp không mở  tiệm tạp hóa tôi không biết làm gì để sống”.

Bà Lương Hồng Loan, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, cho biết: “Phường Thống Nhất có trên 30 DA đang triển khai, trong đó có những DA kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho dân. Không ít người dân cho rằng các DA kéo dài là do doanh nghiệp “xí đất” chờ cơ hội! Mong mỏi của người dân là nếu quy hoạch DA thì triển khai nhanh, chi trả tiền bồi thường cho dân sớm để họ ổn định cuộc sống. Còn chủ đầu tư không đủ khả năng thực hiện thì xóa DA để người dân an cư”.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều