Trong quá trình đô thị hóa, nhiều hộ dân đã chấp nhận rời nơi chôn nhau, cắt rốn để nhường đất cho các dự án (DA). Nhưng có nhiều DA quy hoạch kéo dài chưa thực hiện khiến người dân bị mất nhiều quyền lợi.
Hơn 10 năm mòn mỏi
Trong quá trình đô thị hóa, nhiều hộ dân đã chấp nhận rời nơi chôn nhau, cắt rốn để nhường đất cho các dự án (DA). Nhưng có nhiều DA quy hoạch kéo dài chưa thực hiện khiến người dân bị mất nhiều quyền lợi.[links(right)]
Các DA tập trung nhiều ở hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành và TP.Biên Hòa. Mỗi địa phương có đến cả trăm DA lớn nhỏ của Trung ương, tỉnh, địa phương. Trong đó có những DA được triển khai nhanh góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng có DA kéo dài nhiều năm gây không ít bức xúc cho người dân địa phương.
* Thiệt thòi nhiều quyền lợi
Chúng tôi tìm về Long Tân (huyện Nhơn Trạch) vào một ngày giữa tháng 10-2012, đây là xã có quy hoạch DA nhiều nhất huyện. Tuy là nơi được quy hoạch nhiều DA, nhưng đời sống của người dân ở đây vẫn chật vật. Chỉ cần nhìn cách các bà, các cô đi chợ mua sắm mỗi thứ một chút và chỉ mua những vật dụng thật cần thiết lại chọn những loại giá rẻ cũng có thể đánh giá được đời sống của họ như thế nào.
Gia đình ông Nguyễn Văn Gần ở ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) chỉ dựng căn chòi sống tạm, đã nhiều năm chờ đợi được bồi thường thu hồi đất để đi nơi khác sinh sống. Ảnh: H.Giang |
Ông Nguyễn Văn Thanh ở ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân, mệt mỏi nói: “Mấy đời gia đình tôi sống trên mảnh đất này, tuy không khấm khá nhưng với hơn 2 hécta đất ruộng trồng lúa cũng có của ăn của để. Đang sống yên lành thì năm 2001, huyện công bố quy hoạch khu dân cư và Công ty quản lý phát triển nhà quận 5 (TP.Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư. Từ khi quy hoạch đến nay, tôi không thể thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất. Con cái lớn lên muốn chia cho mỗi đứa vài công cũng không được”. Do vướng DA nên hơn 10 năm nay, căn nhà của ông Thanh và nhiều hộ dân lân cận đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa.
Ông Nguyễn Văn Gần ở ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân tỏ ra bức xúc: “Đất gia đình là của ông cha tôi để lại, khi Nhà nước quy hoạch để phát triển, tôi cũng chấp nhận giao đất. Nhưng quy hoạch xong, hơn 10 năm rồi cứ để đó, không trả tiền bồi thường để chúng tôi chuyển đi nơi khác, sớm ổn định cuộc sống. Nếu không còn quy hoạch nữa thì phải thông báo và trả lại các quyền lợi trên mảnh đất này cho chúng tôi”. Nhiều người dân có đất bị quy hoạch khu vực này cho biết, nếu không bị vướng quy hoạch, họ sẽ vay vốn đắp bờ bao nuôi cá và trồng lúa lợi nhuận mỗi năm có thể đạt gần 100 triệu đồng/hécta, như vậy đời sống của họ sẽ khá hơn. Nhưng hiện đang vướng vào quy hoạch, chỉ trồng sen hoặc cấy lúa 1-2 vụ/năm, lợi nhuận giảm chỉ còn 20-25 triệu đồng/hécta/năm.
Quy hoạch dự án Làng đại học kéo dài Theo ông Trương Văn Quyền, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch), toàn xã có 19 dự án đang triển khai. Các dự án đa số lấy vào đất lúa. Trong đó, dự án Làng đại học có diện tích lên đến trên 300 hécta. Dự án này có trên 20 trường đại học, cao đẳng dự tính được đầu tư. Thế nhưng từ năm 2008 đến nay, các chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành bồi thường cho dân. Ông Lê Văn Chín, ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Tôi có gần 2 hécta đất trồng lúa rơi vào quy hoạch dự án Làng đại học nhưng nhiều năm nay chưa thu hồi đất khiến gia đình tôi chỉ sản xuất cầm chừng không dám đầu tư nhiều. Nếu đất không quy hoạch, tôi sẽ làm bờ bao có thể trồng được 3 vụ lúa/năm. Nông dân chúng tôi chấp nhận chủ trương quy hoạch của Nhà nước, chỉ mong thu hồi đất, trả lại cho chúng tôi mảnh đất khác để canh tác”. Khánh Minh |
Ông Nguyễn Minh Bằng, Trưởng ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân, cho biết: “Từ khi vướng vào quy hoạch, nhiều hộ dân trong ấp rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì ngân hàng không cho vay vốn đầu tư sản xuất. Trong khi con cái lớn cần tiền đi học, cha mẹ và con cái đau ốm cần có tiền chạy chữa. Và để có tiền, họ đành phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao gấp nhiều lần ngân hàng. Do đó, các hộ đã nghèo lại càng nghèo hơn”. Theo Phó chủ tịch UBND xã Long Tân Nguyễn Hồng Phúc, Long Tân được quy hoạch 32 DA với tổng diện tích 1.500 hécta, chiếm gần 50% diện tích của cả xã. Hiện 16 DA có quyết định thu hồi đất đang trong quá trình bồi thường, còn 16 DA mới giới thiệu địa điểm. Với những DA... treo quá lâu, xã kiến nghị huyện, tỉnh có biện pháp xử lý, không để kéo dài gây thiệt thòi cho dân. Tuy vậy, vẫn có nhiều DA kéo dài quá lâu vẫn chưa thấy xử lý.
* Bỗng dưng… thành người “bất hợp pháp”
Hơn 10 năm nay, khoảng 150 nhân khẩu ở ấp Xóm Gốc, xã Long An (huyện Long Thành) không nhập được hộ khẩu tại nơi cư trú chỉ vì đất họ đang sinh sống vướng vào quy hoạch. Không có hộ khẩu, việc học hành cũng như nhiều quyền lợi khác đều bị mất!
Ông Nguyễn Văn Bình ở tổ 1, ấp Xóm Gốc, cho hay: “Tôi làm công nhân của Tổng công ty lắp máy Việt Nam, tích cóp nửa đời mới mua được mảnh đất để an cư, chưa kịp làm sổ đỏ thì bị quy hoạch. Do vướng vào quy hoạch nên hộ khẩu không nhập về được, hơn 10 năm nay con cái của tôi đi học rất khó khăn. Đã thế, nơi ở cũ nói đã chuyển đi lâu họ đòi cắt hộ khẩu, tôi phải nhờ huyện can thiệp, họ mới dừng lại”.
Ông Nguyễn Văn Thanh ở ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) chuẩn bị lá dừa lợp lại mái nhà nhiều năm xuống cấp nhưng do vướng quy hoạch nên không được sửa chữa. ẢNH: H.Giang |
Tương tự, ông Trần Văn Biện cũng ở Xóm Gốc, nói: “Tôi là đảng viên có nhiều năm cống hiến cho đất nước, bây giờ gần 70 tuổi vẫn còn phải lo lắng chưa yên. Hơn 10 năm nay khu này bị quy hoạch, nhà cửa xuống cấp trầm trọng cũng không được sửa, con cái lớn lên có chồng có vợ muốn chia cho chúng miếng đất cất nhà ra ở riêng cũng phải gác lại. Hộ khẩu không nhập về được, nhà đất không làm được sổ đỏ, nhiều khi chúng tôi nói đùa với nhau là mình đang sống bất hợp pháp”.
Các hộ đang sống ở ấp Xóm Gốc đa số là gia đình cán bộ, công nhân viên về hưu, trong đó nhiều người là đảng viên. Hầu hết các hộ dân đều chấp nhận chủ trương quy hoạch của tỉnh, song chỉ yêu cầu nếu thực hiện thì triển khai nhanh bồi thường cho dân để họ sớm ổn định cuộc sống, còn đơn vị đầu tư không đủ khả năng thực hiện thì tiến hành xóa quy hoạch trả lại mọi quyền lợi cho dân.
Hiện nay, huyện Nhơn Trạch quy hoạch 300 DA với tổng diện tích gần 9 ngàn hécta. Các dự án kéo dài đa số là dự án xây dựng khu dân cư, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Tại huyện Long Thành quy hoạch 200 DA lớn, nhỏ. |
Theo ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Long An (huyện Long Thành), khu vực ấp Xóm Gốc được quy hoạch làm nhà ở và chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO. DA này kéo dài nhiều năm khiến người dân ở đây chịu nhiều thiệt thòi, xã nhiều lần kiến nghị huyện và tỉnh xem xét nếu không thực hiện xóa quy hoạch cho dân nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Thực tế, trên địa bàn huyện Long Thành, Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa còn nhiều DA kéo dài nhiều năm không thực hiện khiến người dân trong vùng quy hoạch đi không được, ở không xong.
Hương Giang