Một điểm bán hải sản vỉa hè được hình thành chỉ với vài khay nhựa hay chỉ là tấm bạt nhỏ trải bên vệ đường bày đủ loại mặt hàng từ cua, tôm, ghẹ đến các loại ốc biển.
Một điểm bán hải sản vỉa hè được hình thành chỉ với vài khay nhựa hay chỉ là tấm bạt nhỏ trải bên vệ đường bày đủ loại mặt hàng từ cua, tôm, ghẹ đến các loại ốc biển.
Ngoài những điểm bán hàng lưu động, hải sản vỉa hè dần xuất hiện thêm nhiều điểm bán hàng cố định ở Biên Hòa đáp ứng mọi nhu cầu của khách, từ giới bình dân đến người khá giả. Trong cuộc chạy đua cạnh tranh, các điểm bán hải sản vỉa hè có đủ chiêu trò giảm giá nhằm thu hút khách.
* Thượng vàng hạ cám
Hải sản vỉa hè cũng được chia thành nhiều cấp độ khác nhau: hàng bình dân giá rẻ, loại vừa và cao cấp. Chỉ cần quan sát một điểm bán hải sản nằm ngay trên đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa, cũng có thể thấy được sự đáp ứng đa dạng này. Tại đây, khách có thể chọn mua ghẹ, cua biển đã chết với giá dưới 100 ngàn đồng/kg. Các loại càng ghẹ hoặc cua, ghẹ sống loại nhỏ có giá dao động trên dưới 200 ngàn đồng/kg. Người tiêu dùng cũng có thể mua được hàng loại 1 với giá không thua gì ở quán đặc sản. Người bán hải sản tại đây cho biết, điểm bán hàng này hoạt động được hơn 1 năm và đã có nhiều mối quen. Ở đây có đủ mặt hàng cho khách lựa chọn, từ các loại ốc, mực, bạch tuộc, cua, ghẹ đến ba ba biển…Không chỉ khách mua lẻ mà nhiều quán ăn cũng đến đặt hàng. Giá bỏ mối và bán lẻ thường chênh nhau vài ngàn đồng/kg.
Một ký tôm tích ươn giá bán chỉ 45 ngàn đồng. Trong ảnh: Khách chọn mua tôm tích tại điểm bán hải sản trên quốc lộ 1, Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên |
Nhìn chung, các điểm bán hải sản vỉa hè thu hút khách nhờ giá rẻ. Nhiều điểm bán rao hàng với mức giá khá bất ngờ: cua biển 75 ngàn đồng/kg, tôm tích 50 ngàn đồng/kg, ghẹ 60 ngàn đồng/kg… Thực tế, đa phần hải sản giá rẻ là hàng ươn, hàng kém chất lượng, có thể quan sát bằng mắt thường vì những con cua, ghẹ này đã chết, rụng càng, đổi màu, có mùi. Và tùy vào tình hình đắt hay ế hàng, người bán có thể thỏa thuận bớt giá cho khách.
Chị T., người bán hải sản trên quốc lộ 1, đoạn gần siêu thị BigC (TP. Biên Hòa) thừa nhận, hàng ở đây có giá rẻ ngoài lý do không tốn kém về chi phí mặt bằng còn vì là nguồn hàng dạt. Nhiều đợt đầu mối giao hàng kém, bị hư hao nhiều nhưng chị cũng đành chấp nhận. Chị đã bán quen ở đây vài năm nay, nhiều khách quen quay lại vì chị không giấu khách về chất lượng sản phẩm, hàng càng ươn thì giá bán càng rẻ.
* Đủ chiêu giảm giá
Khảo sát về giá cả hải sản qua các điểm bán hàng vỉa hè, người mua dễ bị hoang mang vì có sự chênh lệch quá lớn về giá cả các mặt hàng. Ngay tại 2 điểm bán hàng nằm sát nhau, 1kg ốc hương cùng loại ở điểm bán này có thể chênh đến vài chục ngàn đồng so với điểm bán bên cạnh. Khi khách dò hỏi thì được giải thích khác nhau, và người bán nào cũng khẳng định ốc hương, cua biển do mình bán đều được đánh bắt tự nhiên, loại rẻ hơn là hàng nuôi, nhưng thực hư thế nào thì chỉ người bán mới biết! Nhiều mặt hàng tôm, cua, ốc biển nuôi… cũng bị người bán dán nhãn hàng đánh bắt ngoài biển để đẩy giá lên cao.
Về các trường hợp ngộ độc hải sản, các bác sĩ giải thích, trong các loại hải sản đều tồn tại loại vi khuẩn đặc biệt có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh chóng trong hải sản vừa bắt lên và càng tăng lên nếu để lâu chưa chế biến, ở hải sản đã chết (không còn tươi, hải sản đông lạnh, hải sản khô), vi khuẩn này tăng hoạt động, sản sinh ra một chất có tên là histamine. Nói cách khác, thịt hải sản bị biến chất do vi khuẩn thành một chất độc. Khi vi khuẩn sinh sôi nảy nở thì lượng histamine cũng tăng lên và tích lũy trong thịt hải sản. Chất này không bị phân hủy khi chúng ta đun nấu bằng mọi cách. Khi hải sản có nhiều histamine được ăn vào, chất này được hấp thu nhanh vào trong máu gây ngộ độc. |
Trong các loại hải sản hiện đang bán trên thị trường, cua biển khá loạn về giá cả và nguồn gốc. Trong đó không ít người bán khẳng định đây là cua tự nhiên được đánh bắt từ biển để đẩy giá. Cua chết thường có giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng/kg. Cua sống cũng có đủ loại giá cho khách lựa chọn. Nhiều nơi chào bán với giá rẻ hơn cả trăm ngàn đồng/kg so với mặt bằng chung trên thị trường, song thực chất đây chỉ là “chiêu” của người bán. Loại cua này thường bị ăn gian về trọng lượng vì mỗi con cua được độn dây cột cho nặng thêm. Theo phản ánh của không ít khách hàng, họ từng bị lừa khi mua cua biển với giá bèo dù con cua to cả kg, còn sống nhưng đem về luộc lên mới biết là cua rỗng ruột.
Anh Luân, chủ vựa chuyên cung cấp hải sản H.Q. trên đường Võ Thị Sáu, TP. Biên Hòa cho biết, tôm, cua đánh bắt từ biển rất ít hàng và giá thường đắt gấp đôi so với hải sản nuôi trồng. Tôm sú, cua biển hiện có mặt trên thị trường đều là hàng nuôi. 1kg cua sau khi được cột dây trọng lượng thường tăng thêm khoảng 400g nên giá bán cũng rẻ hơn nhiều so với cua không cột. Giá của mặt hàng này còn tùy vào tỷ lệ thịt cua, cua ngon thường đạt tỷ lệ thịt từ 70-90%, loại hàng dạt thì tỷ lệ thịt rất thấp, có con luộc lên rỗng ruột, thường được gọi là “cua ốp”.
Bình Nguyên