Các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng tiêu dùng trong nước đang “chạy nước rút”, chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Và theo đó là nỗi lo bùng phát nạn hàng giả, hàng nhái.
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng tiêu dùng trong nước đang “chạy nước rút”, chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Và theo đó là nỗi lo bùng phát nạn hàng giả, hàng nhái.
Nhiều DN đã đưa ra đủ mọi giải pháp nhằm chống lại vấn nạn hàng giả, nhưng vừa dẹp chỗ này, nơi khác đã “mọc” lên với thủ đoạn tinh vi hơn. Nhiều người tiêu dùng sử dụng hàng hóa gặp sự cố khi phản ánh lên DN mới biết, mình mua lầm hàng giả. DN cũng chịu “thiệt đơn, thiệt kép” vì vừa bị ảnh hưởng về doanh thu mà uy tín thương hiệu cũng bị tổn hại nặng nề.
* Doanh nghiệp điêu đứng
Ông Trần Đình Thiện, Trưởng đại diện khu vực miền Đông của Công ty TNHH mỹ phẩm Lan Hảo (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, DN hiện gặp không ít khó khăn vì nạn hàng nhái, hàng giả. Sản phẩm nào của Lan Hảo được ưa chuộng là ngay sau đó hàng nhái xuất hiện. Cụ thể, sản phẩm phấn trang điểm bông cúc Thorakao đang bị làm giả nhiều, vì đây là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trên thị trường, hiện chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của DN. “Hàng giả bây giờ ngày càng tinh vi, mẫu mã copy nguyên mẫu của hàng thật nên rất khó phân biệt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty mà còn gây mất lòng tin ở người tiêu dùng với thương hiệu sản phẩm” - ông Thiện nói.
Sản phẩm của Kềm Nghĩa bị làm nhái, làm giả ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên |
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty Nam Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu) cho rằng nạn hàng nhái, hàng giả đã trở thành nỗi ám ảnh cả với DN và người tiêu dùng hiện nay. Ông Vũ dẫn chứng, mẫu giày thể thao ProWin của DN bán chạy, chỉ vài ngày sau thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm tương tự, có loại copy nguyên dạng, có mẫu chỉ khác vài chi tiết nhỏ về nhãn hàng. DN phải vất vả cạnh tranh với chính mặt hàng nhái theo sản phẩm của mình trong khi để ra một mẫu giày mới, phải bỏ chi phí đầu tư không nhỏ cho khâu thiết kế. Thủ tục, hồ sơ đăng ký bản quyền kiểu dáng công nghiệp sản phẩm lại quá nhiêu khê với thời gian kéo dài cả năm nên dù có phát hiện hàng nhái, DN hầu như cũng bó tay trong khâu xử lý vì thiếu cơ sở pháp lý.
Theo nhiều DN, nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng lộng hành xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó lý do quan trọng nhất là chưa được xử lý nghiêm. Cho đến nay, khi có vi phạm, hình thức xử lý chủ yếu vẫn là tịch thu hàng hóa, phạt hành chính nên không đủ sức răn đe. Hiện nay, công tác quản lý, kiểm soát thị trường cũng chỉ tập trung ở khâu phân phối, lưu thông hàng hóa nên mới giải quyết phần ngọn, trong khi gốc vấn đề là phải triệt tiêu được nơi sản xuất, nguồn gốc của hàng nhái, hàng giả. |
Theo ông Bùi Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Gia Nam (TP. Biên Hòa) chuyên sản xuất các loại máy năng lượng mặt trời thì ngành sản xuất này đòi hỏi sự đầu tư lớn với yêu cầu kỹ thuật cao. Mấy năm trước, thị trường máy năng lượng mặt trời không rõ nguồn gốc xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Giai đoạn đó, DN làm ăn chân chính có lúc điêu đứng vì không ít người mua phải hàng kém chất lượng khiến thị trường sút giảm vì mất lòng tin với dòng sản phẩm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường vốn còn khá mới lạ này.
* Người mua chịu thiệt
Chị Thu Hằng, một người tiêu dùng ở TP.Biên Hòa nhận xét, bây giờ mua bất kỳ mặt hàng nào cũng có nguy cơ gặp hàng giả, hàng nhái, từ thời trang may mặc đến đồ dùng, mỹ phẩm… “Khách hàng không chỉ mất tiền vì mua nhầm hàng giả mà có khi rơi vào cảnh tiền mất tật mang vì nhiều sản phẩm dởm hiện nay thường chứa chất độc hại gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng” - chị Hằng lo lắng.
Nhân viên nhãn hàng Thorakao tư vấn cho người mua cách phân biệt hàng thật-giả tại Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao 2012. Ảnh: B.Nguyên |
“Không chỉ DN sản xuất mà người tiêu dùng cũng là đối tượng chịu thiệt của nạn hàng giả, hàng nhái. Vì chạy theo lợi nhuận, những cơ sở gia công làm hàng nhái thường sử dụng nguyên vật liệu giá rẻ, tái chế, kém chất lượng thậm chí nằm trong danh mục cấm sử dụng vì chứa chất độc hại. Lúc này, nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng là rất khó lường” - ông Nguyễn Quang Vũ phân tích. Ông dẫn chứng thêm, đa số các mẫu giày thể thao nhái nhãn hiệu ProWin trên thị trường hiện nay, trong cấu tạo bộ phận mũi giày thường sử dụng nguyên liệu là một loại nhựa tái chế, chất này không chỉ kém bền mà còn rất độc hại cho sức khỏe con người và gây tác hại đến môi trường.
Ông Bùi Văn Nam cho biết, nạn hàng nhái, hàng giả làm loạn thị trường gây không ít hệ lụy cho người tiêu dùng. Dòng máy năng lượng mặt trời có những yêu cần kỹ thuật riêng từ khâu lắp ráp đến hướng dẫn sử dụng, bảo hành. Hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc thường chỉ mua đứt, bán đoạn hầu như bỏ quên khâu dịch vụ hậu mãi, sửa chữa nên người tiêu dùng không biết kêu ai khi sản phẩm xảy ra sự cố.
Bình Nguyên