Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuối năm, ai vay tiền?

09:10, 15/10/2012

Quý IV - mùa vay tiền làm ăn của doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu, song tăng trưởng tín dụng chung của địa bàn Đồng Nai mới chỉ ở mức 6,67%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Ngân hàng (NH) than không có người vay, trong khi DN dù “khỏe” hay “yếu” vẫn đang dè dặt với việc vay tiền bởi vẫn chưa nhìn thấy nhiều cơ hội làm ăn.

 

Quý IV - mùa vay tiền làm ăn của doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu, song tăng trưởng tín dụng chung của địa bàn Đồng Nai mới chỉ ở mức 6,67%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Ngân hàng (NH) than không có người vay, trong khi DN dù “khỏe” hay “yếu” vẫn đang dè dặt với việc vay tiền bởi vẫn chưa nhìn thấy nhiều cơ hội làm ăn.

Trong hội nghị kết nối NH-DN được tổ chức ngay trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 tại UBND tỉnh, nhiều DN tỏ ra “choáng ngợp” trước hàng chục gói tín dụng hỗ trợ của hàng loạt NH với lời khẳng định: “Chúng tôi không thiếu vốn”.

*“Bùng nổ” gói hỗ trợ tín dụng

Trong số 24 NH tham gia hội nghị, chỉ có NH Tiên Phong dè dặt đưa ra 1 gói hỗ trợ, còn lại các NH khác đều công bố ít nhất 3-5 gói, cá biệt có những NH tung ra đến 11 gói hỗ trợ như BIDV, 10 gói như Vietinbank… Các gói tín dụng hỗ trợ chủ yếu xoay quanh các ngành nghề sản xuất, xuất khẩu… Bên cạnh đó, một số NH tập trung cho vay tiêu dùng và bất động sản. Mỗi gói tín dụng có lượng vốn cung ứng từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỷ đồng, với những ưu đãi về lãi suất và thủ tục vay.

Hiện trạng phổ biến là doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt thì ngại ngần chưa vay, doanh nghiệp yếu thì không đáp ứng được điều kiện. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng thấp và vốn vẫn ứ trong nhiều ngân hàng. Ảnh: V. Lâm
Hiện trạng phổ biến là doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt thì ngại ngần chưa vay, doanh nghiệp yếu thì không đáp ứng được điều kiện. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng thấp và vốn vẫn ứ trong nhiều ngân hàng. Ảnh: V. Lâm

Về lãi suất, từ giữa năm 2012 đến nay, nhiều NH cho biết họ đã liên tục hạ lãi suất vay, ít nhất từ 5-7 lần giảm so với trước. Mặt bằng lãi suất hiện tại ở các NH có vốn nhà nước lớn chỉ còn từ 12-14%/ năm, các NH nhỏ từ 14-17%/ năm, thấp hơn từ 6-8%/năm so với đầu năm 2012. Các khoản cho vay trước đây không được khuyến khích, như: vay tiêu dùng, vay mua nhà, đất… thì nay được các NH nới rộng, khuyến khích bằng các gói vay cụ thể với nhiều điều khoản ưu đãi.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo chi nhánh NH tại Đồng Nai thừa nhận, dù liên tục tung ra các gói hỗ trợ, song thực chất giải ngân không đáng kể. Giám đốc NH Đông Nam Á (SeaBank) chi nhánh Đồng Nai lý giải: “Nhu cầu vay có, song với tình hình kinh tế hiện tại, không nhiều DN đáp ứng được điều kiện cho vay. Áp dụng đến 7 gói hỗ trợ là vì SeABank mong muốn có thể hỗ trợ DN, giải ngân thêm vốn khi mùa làm ăn cuối năm đang bước vào cao điểm”.

* Vốn thừa, người vay thiếu

Nhiều NH khác cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2012 đến hiện tại hầu như chỉ đạt khoảng 50%, còn lại đều trông chờ vào cuối năm. Song quan sát cho thấy, sẽ không nhiều NH đạt được kỳ vọng tăng trưởng như mong muốn bởi tìm khách hàng vay vẫn rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Anh Quốc (chuyên xuất khẩu gỗ) cho biết, dù tình hình làm ăn của DN năm nay khá tốt, doanh thu 9 tháng của năm 2012 đã đạt khoảng 3 triệu USD, song DN vẫn rất ngại ngần chuyện vay vốn. “Nhu cầu vốn lưu động cuối năm khoảng 10 tỷ đồng, dành để chuẩn bị cho các đơn hàng năm 2013, việc tiếp cận vốn là không khó, song tôi rất ngại sự thiếu ổn định của lãi suất vì nay tăng, mai giảm, DN khó xác định để ký những đơn hàng dài hạn” - ông Anh cho biết. Chính vì vậy, ông Anh cũng như một số DN “khỏe mạnh” khác hiện tại cũng chọn cách vay “nhỏ giọt” bởi lo lãi suất biến động.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh - Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đánh giá, những nguyên nhân khiến dòng vốn cuối năm vẫn chưa thể khơi thông, cho đến nay vẫn là những nguyên nhân cũ: DN sức khỏe kém thì thiếu vốn nhưng không đủ điều kiện vay hoặc không còn khả năng hấp thụ vốn; DN sức khỏe ổn thì thiếu tin tưởng và dè dặt. Chính vì vậy, dù quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ… rất nhiều, song mặt bằng chung, các NH không cho vay được nhiều, trừ một vài NH lớn có lãi suất ưu đãi, “hút” được nhiều khách hàng có sức khỏe tốt.

Trong khi DN tốt ngại ngần thì các DN có nhu cầu vốn nhưng không đáp ứng đủ điều kiện cũng rất phổ biến. Tại hội nghị kết nối này, phía DN cho rằng, nếu không có một sự hỗ trợ nhất định, thì DN nhỏ và vừa “còn lâu” mới đáp ứng nổi các yêu cầu, điều kiện cho vay mà phía NH đưa ra. Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nhận xét, vấn đề giữa NH và DN vẫn là vấn đề lòng tin, do đó vốn thừa cứ thừa, nhưng DN khan tiền thì vẫn cứ khan. “Nhu cầu vốn thời điểm này vẫn có, dù giảm hơn nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, NH đặt vấn đề tài sản thế chấp nhiều, báo cáo tài chính “khỏe mạnh” thì ít có DN nào đáp ứng nổi? Bởi khó mà làm ăn có lãi trong mấy năm vừa qua - khi kinh tế xuống tận đáy” - ông Bình nói. Theo đó, ông Bình cho rằng, mọi hy vọng tình hình sáng sủa sẽ phải dành cho năm 2013, bởi đến hiện tại, nhiều DN vẫn chưa thấy cơ hội làm ăn nào khả dĩ. Thậm chí, Công ty Thanh Bình của ông cũng đã gần hoàn tất kế hoạch thoái nợ ở các NH, tạm “chờ thời”.

Vi Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích