Chiều ngày 4-9, Viện Môi trường - tài nguyên (MT-TN) đã tiếp xúc trực tiếp với người dân ở xã Tam An (huyện Long Thành) có đơn đòi Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành bồi thường thiệt hại nhưng bị trả lại.
Chiều ngày 4-9, Viện Môi trường - tài nguyên (MT-TN) đã tiếp xúc trực tiếp với người dân ở xã Tam An (huyện Long Thành) có đơn đòi Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành bồi thường thiệt hại nhưng bị trả lại.
Ngày 4-8-2011, Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Long Thành thuộc Công ty cổ phần (CP) Sonadezi Long Thành bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) bắt quả tang khi đang xả thải gây ô nhiễm rạch Bà Chèo - sông Đồng Nai. Sau sự việc trên, gần 270 hộ dân xã Tam An làm đơn đòi bồi thường. Để có cơ sở tính toán thiệt hại buộc Công ty CP Sonadezi Long Thành bồi thường, tỉnh thuê Viện MT-TN khoanh vùng và tính toán mức độ thiệt hại.
* Nhiều đơn bị trả lại
Theo tính toán của Viện MT-TN, vùng bị ô nhiễm do Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Long Thành xả thải là hơn 114 hécta. Sau khi áp bản đồ chỉ có gần 170 đơn của người dân xã Tam An nằm trong vùng ô nhiễm, còn lại hơn 100 đơn nằm ngoài vùng ô nhiễm bị bác đơn đòi bồi thường. Tuy nhiên, nhiều người dân bị bác đơn đã không đồng ý với cách tính toán của Viện MT-TN vì diện tích của họ đang sản xuất nằm gần rạch Bà Chèo và họ phải thường xuyên lấy nước ở đây để chăn nuôi, trồng trọt.
ThS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý tài nguyên thuộc Viện Môi trường - tài nguyên giải thích cách tính toán thiệt hại. Ảnh: K. Minh |
Ông Bùi Văn Em, ấp 1, xã Tam An bức xúc: “Gần 9 hécta sầu riêng, chôm chôm của tôi lấy nước từ rạch Bà Chèo để tưới đều bị chết. Chuyển qua nuôi gà, vịt đều chết. Tôi đã ngoài 60 tuổi, không biết làm gì để sống, tính bán đất nhưng chẳng ai mua vì ngại ô nhiễm. Thế nhưng, khi tính toán, Viện MT-TN lại nói diện tích của tôi nằm ngoài vùng ô nhiễm”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Sáu ở ấp 3, xã Tam An nói: “Trước đây, mỗi năm tôi thu vài trăm triệu đồng từ 3 hécta cây ăn trái nên cả gia đình sống khá sung túc. Nhưng mấy năm gần đây, cây tưới phải nguồn nước ô nhiễm chết hàng loạt khiến cả gia đình tôi rất khó khăn. Tưởng rằng tới đây sẽ được bồi thường một ít để có vốn đầu tư làm ăn, không ngờ đơn bị trả lại”.
Nhiều người dân có đơn bị trả lại nói, hai năm trước cá tôm nuôi trong ao của họ bị chết hàng loạt, Công ty CP Sonadezi Long Thành đã nhận lỗi và bồi thường cho họ. Nay Viện MT-TN lại nói nằm ngoài vùng ô nhiễm là không hợp lý.
* Sẽ xác minh lại
Viện trưởng Viện MT-TN Nguyễn Văn Phước cho biết: “Các tính toán vùng ô nhiễm đều dựa vào chứng cứ tại thời điểm nhà máy xả thải bị C49 bắt quả tang. Trên thực tế, có những hộ lấy nước từ rạch Bà Chèo để chăn nuôi, trồng trọt cũng bị ảnh hưởng nhưng khi áp bản đồ lại nằm ngoài vùng ô nhiễm. Những trường hợp người dân thắc mắc, Viện sẽ xuống cùng người dân thẩm định lại. Nếu người dân bị thiệt thòi thực sự sẽ kiến nghị với ban chỉ đạo yêu cầu Công ty CP Sonadezi Long Thành đền bù”. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng yêu cầu Viện MT-TN công bố cụ thể mức độ thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi.
Ông Bùi Văn Em, ấp 1, xã Tam An đưa ra bản đồ thửa đất giáp rạch Bà Chèo để chứng minh thiệt hại nhưng bị trả đơn. Ảnh: K. Minh |
Theo xác định của Viện MT-TN có 3 nguyên nhân làm cây cối, vật nuôi gần rạch Bà Chèo bị chết hàng loạt, là: ô nhiễm nguồn nước, ngập úng, xâm nhập mặn. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Trai, ấp 2, xã Tam An cho hay: “Nói cây cối, vật nuôi gần rạch Bà Chèo bị chết do ngập mặn là không đúng, vì độ mặn mấy năm gần đây so với khi chưa có thủy điện Trị An thấp hơn nhiều. Nếu vì mặn khi đó cây đã chết, còn rất ít hộ để cây bị ngập úng làm sao nói cây chết do ngập úng”.
Gần 170 đơn nằm trong vùng ô nhiễm đã được Ban chỉ đạo điều tra, xác minh thiệt hại rạch Bà Chèo đi xác minh thực tế. Số tiền các hộ này đòi bồi thường khoảng 24 tỷ đồng. Hiện Ban chỉ đạo đang tiến hành áp giá bồi thường, sau khi áp giá xong sẽ niêm yết danh sách công khai tại trụ sở UBND xã Tam An cho người dân bị thiệt hại biết. Sau thời gian quy định, nếu người dân không có thắc mắc, Ban chỉ đạo làm việc với Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành để tiến hành bồi thường cho người dân. |
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, Trưởng ban chỉ đạo, khẳng định: “Để tránh thiệt thòi cho bà con, tới đây những hộ nằm ngoài vùng bị trả đơn có thắc mắc, huyện sẽ cho xác minh lại. Huyện sẽ luôn đứng về phía người dân và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho dân”. ThS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý tài nguyên thuộc Viện MT-TN cho rằng, có thể có thời điểm Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Long Thành xả thải cao hơn so với lúc bị bắt quả tang, nhưng vì không có cơ sở pháp lý nên phải lấy số liệu xả thải tại thời điểm bị bắt để tính toán. Thực tế, những hộ dân bị thiệt hại do đánh bắt thủy sản trên rạch Bà Chèo không nhiều. Thiệt hại lớn thuộc về các hộ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm và trồng trọt.
Khánh Minh