Hiện nay, năng suất bình quân của cây cà phê ở Đồng Nai đạt khoảng 1,8 tấn/hécta/năm, được xem là thấp. Mặt khác, nhiều vườn cà phê sử dụng giống cũ đang rơi vào tình trạng già cỗi, năng suất thấp.
Hiện nay, năng suất bình quân của cây cà phê ở Đồng Nai đạt khoảng 1,8 tấn/hécta/năm, được xem là thấp. Mặt khác, nhiều vườn cà phê sử dụng giống cũ đang rơi vào tình trạng già cỗi, năng suất thấp.
Chính vì vậy, nhiều hộ trồng cà phê đã mạnh dạn chặt bỏ vườn cà phê đang trong thời kỳ cho trái để ghép giống mới, năng suất cao, mô hình “trẻ hóa” cây cà phê này đang được nhiều nơi trong tỉnh nhân rộng.
* Kết quả bất ngờ
Anh Nguyễn Văn Quang (ấp 2, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) là người đã “dám” chặt bỏ 0,5 hécta cà phê vối (loại cà phê truyền thống) đang cho trái ở năm thứ 9 để ghép giống cà phê mới TR4. Cách làm này đã giúp anh tăng lợi nhuận thêm vài chục triệu đồng/năm. Chỉ vào vườn cà phê ghép trĩu quả sắp cho thu hoạch, anh Quang kể: “Tôi làm nông nghiệp từ năm 1996, trồng qua nhiều loại cây, giờ mới tìm được mô hình thích hợp để yên tâm đầu tư. Năm 2009, Hội Nông dân xã Lâm San đã vận động chặt bỏ vườn cà phê vối để ghép cà phê giống mới, tôi chặt 0,5 hécta để ghép, nay đã có kết quả. Cà phê ghép sau hai năm đã cho năng suất 4 tấn/hécta/năm”. Trước đây, vườn cà phê vối của anh Quang năm nào “được mùa, trúng giá” thì cho lợi nhuận khoảng 30 - 40 triệu đồng/hécta. Chuyển qua giống cà phê mới, chỉ sau hai năm, anh Quang thu lãi hơn 50 triệu đồng từ 0,5 hécta đất.
Anh Nguyễn Văn Quang ở ấp 2, xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) trong vườn cà phê ghép. Ảnh: H.Giang |
Theo một số nông dân đang áp dụng giống mới, vốn đầu tư khi trồng cà phê ghép chỉ tương đương hoặc thấp hơn so với giống cũ. Song từ năm thứ ba trở đi, năng suất của cà phê ghép có thể đạt từ 4-5 tấn/hécta. Ngoài ra, cà phê ghép còn có các ưu thế, như: tán thấp, tỏa đều xung quanh; dễ thu hoạch và khi gặp thời tiết mưa dông, gió giật mạnh, cây ít bị gãy cành. Anh Quang cho biết, hiện đang tiến hành chặt dần gần 1 hécta cà phê vối còn lại để thay bằng cà phê ghép giống mới, bởi năng suất cà phê giống mới cao hơn nhiều nên dù giá cà phê có xuống 25-30 ngàn đồng/kg thì vẫn có lãi.
* Tìm cách nhân rộng
Cẩm Mỹ là huyện có diện tích cà phê lớn của tỉnh với gần 7 ngàn hécta. Trong đó, nhiều vườn cà phê đã ở vào thời kỳ già cỗi, năng suất bình quân chưa đến 2 tấn/hécta/năm, lợi nhuận thấp. Khi tìm cách “trẻ hóa” vườn cà phê bằng các giống cà phê ghép mới như TR4, TR5 thì năng suất từ năm thứ ba trở đi có thể đạt 4 - 5 tấn/hécta/năm, nông dân có thể thu được khoảng 100 triệu đồng/hécta/năm nếu giá đầu ra ổn định.
Bà Phùng Thị Thanh Tú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Những vườn cà phê già cỗi nếu chặt bỏ, muốn trồng mới nhưng vẫn sử dụng giống cũ, nông dân phải mất 1 -2 năm luân canh cây khác để cải tạo đất. Song, với cà phê ghép giống mới, chỉ sau 1 năm vườn đã bắt đầu thu hoạch và sau 2 năm, lợi nhuận khá cao. Do đó, Hội Nông dân đang vận động nông dân chuyển đổi vườn cà phê già cỗi, cà phê giống cũ sang cà phê ghép giống mới”. Được biết, các giống cà phê ghép mới, như: TR4, TR5 đều đã được thực hiện mô hình thí điểm tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và năng suất thực tế tăng gấp 2 - 2,5 lần so với cà phê giống cũ. Ngoài ra, do cà phê đang là cây trồng chủ lực của tỉnh nên những hộ chuyển sang làm cà phê ghép chuyên canh được huyện hỗ trợ giống, công ghép và 20% chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.
Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San nhận xét: “Vườn cà phê ghép của anh Quang là mô hình điểm của xã nên được nhiều bà con nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Hiện tại, khá nhiều nông dân trong xã đã tự chặt bỏ dần cà phê giống cũ để ghép giống mới và vườn cây của họ phát triển tương đối tốt. Có lẽ chỉ vài năm nữa, Lâm San sẽ còn rất ít vườn cà phê già giống cũ”.
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh có gần 21 ngàn hécta cà phê, đa số đang trong giai đoạn kinh doanh và năng suất bình quân hàng năm chỉ hơn 1,8 tấn/hécta do nhiều vườn cà phê già cỗi, giống cũ. Vì vậy, nhiều nông dân đang xem việc áp dụng kỹ thuật ghép giống mới, chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật nhằm “trẻ hóa” vườn cà phê và tăng lợi nhuận.
Hương Giang