Báo Đồng Nai điện tử
En

Thấp thỏm với cúm gia cầm mới

09:09, 28/09/2012

Hiện nay, trong nước đã xuất hiện nhóm virus cúm gia cầm mới và chưa có vaccine tiêm phòng. Điều này khiến nhiều người lo lắng cúm gia cầm sẽ lây lan nhanh. Để hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Quang,  Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai.

Hiện nay, trong nước đã xuất hiện nhóm virus cúm gia cầm mới và chưa có vaccine tiêm phòng. Điều này khiến nhiều người lo lắng cúm gia cầm sẽ lây lan nhanh. Để hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Quang,  Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai. Ông cho biết:

Từ tháng 7-2012 đến nay, tại các ổ dịch cúm gia cầm các tỉnh phía Bắc đến Quảng Ngãi đã xuất hiện một nhóm virus mới làm gia cầm chết rất nhanh. Thời tiết phía Nam hiện đang vào giai đoạn mưa nhiều, độ ẩm cao, nguy cơ lây lan dịch cúm rất lớn. Đồng Nai là tỉnh có đàn gia cầm lớn nếu để xảy ra dịch cúm sẽ thiệt hại khó lường.

* Cúm gia cầm đã xuất hiện một nhóm virus mới gây chết gia cầm rất nhanh, ông có thể nói rõ hơn về loại virus này?

- Gần 3 tháng nay, ở phía Bắc đã phát sinh một nhóm virus cúm gia cầm A/H5N1 mới, nhánh 2.3.2.1 thuộc nhóm C có động lực cao gây chết nhanh, chết nhiều loại gia cầm. Nhóm virus này hiện vẫn chưa có loại vaccine để tiêm phòng. Việc xuất hiện một nhóm virus cúm gia cầm mới chưa có vaccine tiêm phòng đồng nghĩa với việc chăn nuôi gia cầm gặp thêm nhiều khó khăn trong công tác phòng bệnh. Hiện Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã giao Cục Thú y phân tích và tìm loại vaccine phù hợp để tiêm phòng, hy vọng thời gian tới sẽ có loại vaccine để tiêm phòng.

* Theo dự báo của ngành thú y, nguy cơ lây lan của nhóm virus cúm mới vào các tỉnh phía Nam rất lớn. Để phòng chống dịch trong điều kiện chưa có vaccine tiêm phòng, người dân phải làm gì?

- Hiện nay, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để virus cúm gia cầm lây lan nhanh. Đồng Nai là tỉnh có quốc lộ 1A đi qua khá dài nên nguy cơ lây lan càng lớn hơn. Cách tốt nhất để phòng và chống dịch bùng phát khi chưa có vaccine tiêm phòng là người chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, sát trùng chuồng trại sạch sẽ. Khi mua bán gia cầm phải chọn loại có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc khác. ở khu vực chăn nuôi gia cầm, người và các phương tiện ra vào phải được sát trùng cẩn thận để tránh mang mầm bệnh từ nơi khác đến. Ngoài ra, các địa phương phải quản lý chặt việc giết mổ gia cầm, đồng thời kiên quyết xử lý các điểm buôn bán gia cầm trái phép tại các chợ tự phát và lòng lề đường. Người tiêu dùng cần tránh sử dụng các loại gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc giết mổ trái phép để đảm bảo sức khỏe.

* Vừa qua, một số trại trong tỉnh xảy ra tình trạng gia cầm bị chết, có phải cúm gia cầm đã xuất hiện ở Đồng Nai?

- Sau khi xảy ra tình trạng gia cầm bị chết nhiều, Chi cục Thú y có xuống lấy mẫu xét nghiệm, nhưng gà chết là do các bệnh thông thường, không phải do cúm gia cầm. Tuy nhiên, trong tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, người chăn nuôi nên chú trọng việc chăm sóc đàn gia cầm bằng cách bổ sung đầy đủ các dưỡng chất để tăng sức đề kháng. Các trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, tránh dịch lây lan.

Chăn nuôi an toàn sinh học để phòng dịch cúm gia cầm. Gà nuôi tại Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom).
Chăn nuôi an toàn sinh học để phòng dịch cúm gia cầm. Gà nuôi tại Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom).

* Cúm gia cầm là loại dịch bệnh Nhà nước không bắt buộc phải tiêm phòng vì tỷ lệ bảo hộ không cao. Theo quan điểm của ông thì người chăn nuôi có nên tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm?

- Ở phía Nam, virus cúm gia cầm vẫn chưa bị biến thể sang dạng mới nên loại vaccine phòng cúm đang lưu hành sử dụng đạt tỷ lệ bảo hộ khá cao (trên 80%). Do đó, tỉnh khuyến cáo người dân tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm. Nhiều năm qua, Đồng Nai không để xảy ra dịch cúm gia cầm là nhờ công tác tiêm phòng vaccine và vệ sinh chuồng trại được người chăn nuôi thực hiện tương đối tốt. Mỗi năm, tỉnh đều triển khai 2 đợt tiêm phòng vaccine cúm gia cầm, với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có số lượng đàn gà ít thường được tỉnh hỗ trợ vaccine và kinh phí tiêm phòng.

Toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm trên 10 triệu con. Trong đó, chăn nuôi tập trung bằng hình thức trang trại chiếm khoảng 80% tổng đàn. Trung bình mỗi năm, người chăn nuôi trong tỉnh cung cấp ra thị trường trên 44 ngàn tấn thịt gà và hơn 273 triệu quả trứng.

KM

* Thưa ông, Đồng Nai có tổng đàn chim cút khá lớn, nhưng hiện vẫn chưa có vaccine tiêm phòng cúm gia cầm, đây có phải là nỗi lo?

- Đồng Nai có tổng đàn chim cút khoảng 1,5 triệu con, loại chim này tiêm phòng vaccine cúm gia cầm hiện có tỷ lệ bảo hộ rất thấp, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được vaccine phù hợp để phòng dịch. Tuy nhiên, chim cút là con vật có sức đề kháng cao nên nếu được các trại chăm sóc, vệ sinh tiêu độc, sát trùng tốt thì ít có nguy cơ bùng phát dịch.

* Xin cảm ơn ông.   

              Hương Giang (thực hiện)     

 

                                                                                 

Tin xem nhiều