Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất cuối năm: Khó đoán nhu cầu

09:09, 28/09/2012

Bắt đầu vào quý IV, giới doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai lại “tất tả”  thăm dò thị trường, tìm đơn hàng, chuẩn bị nguyên liệu…cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, khó khăn kéo dài của nền kinh tế đã khiến không ít DN cho rằng, năm nay là một năm khó dự đoán trước.

Bắt đầu vào quý IV, giới doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai lại “tất tả”  thăm dò thị trường, tìm đơn hàng, chuẩn bị nguyên liệu…cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, khó khăn kéo dài của nền kinh tế đã khiến không ít DN cho rằng, năm nay là một năm khó dự đoán trước.

Đến thời điểm này, nhiều DN trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng cho biết, tồn kho từ giữa năm vẫn giải quyết chưa hết, chính vì vậy, việc tính toán nhu cầu thị trường, dự trữ nguyên liệu cho cuối năm càng vất vả.

* E ngại tồn kho

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai D&F cho biết, hiện nhà máy đang trong giai đoạn khảo sát giá cả nguyên liệu, thăm dò nhu cầu khách hàng để chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm. Ông Phương nhận xét, cũng như nhiều mặt hàng khác, thực phẩm chế biến năm nay tiêu thụ chậm, do đó khó dự đoán nhu cầu thị trường cuối năm để có sự chuẩn bị phù hợp. “Ngán ngại nhất trong ngành hàng thực phẩm là tồn kho, bởi hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn, nếu tính toán nhu cầu của từng mặt hàng không khéo thì vào lúc cao điểm, hàng thiếu vẫn thiếu, hàng thừa vẫn thừa” - ông Phương nói. Theo đó,

Sản xuất xúc xích tại  Nhà máy D&F.  ảnh: V.N
Sản xuất xúc xích tại Nhà máy D&F. ảnh: V.N

D&F đang tập trung tìm kiếm đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt ở mảng quà tặng để chuẩn bị kịp thời.

Cũng trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, anh Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc  Công ty TNHH Hiệp Hòa Bình ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa, chuyên sản xuất miến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước cũng cho rằng, thị trường cuối năm năm nay rất khó dự đoán do sức mua hiện tại giảm khá nhiều so với mọi năm. Như năm 2011, doanh thu của Công ty Hiệp Hòa Bình ở những tháng bình thường vào khoảng 300 triệu đồng/tháng, nhưng năm nay chỉ còn trên dưới 200 triệu đồng/tháng, giảm 1/3, nếu so với năm 2010 thì doanh thu giảm khoảng một nửa. “Thông thường mọi năm, hàng của công ty bán phục vụ tết tăng gấp 5 lần so với các tháng bình thường. Hiện tại, sức mua yếu nhưng chỉ số tiêu dùng lại đang tăng dần, vì vậy cũng rất khó nhận định ở thị trường cuối năm. Nếu kế hoạch trữ nguyên liệu không tốt có khi bị “cháy hàng”, nếu dự trữ nhiều như mọi năm, tiêu thụ không hết sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn” - anh Khỏe chia sẻ.

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều DN. Chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Hồng Minh Sang, sản xuất bánh xốp ở phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa cũng cho biết, hiện DN chưa lên kế hoạch cho sản hàng cuối năm. Do tình hình tiêu thụ hàng chậm nên phải đến giữa tháng 11 tới, chị mới ấn định được việc đó.

* Sức mua khó biết?

Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh 9 tháng của năm 2012 chỉ tăng 20% so cùng kỳ, trong khi cùng kỳ các năm trước, tỷ lệ này luôn được duy trì ở mức 25% - 26%.

Ông Đỗ Tấn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH H.T.H, chuyên sản xuất hàng may mặc tại TP. Biên Hòa nhận xét, sức mua cuối năm sẽ khó tăng đột biến bởi suốt một năm qua, việc bán hàng đã rất khó khăn. Hiện tại, H.T.H vẫn đang cố gắng bán hết lượng hàng tồn kho từ giữa năm thông qua các hội chợ, bán giảm giá tại trụ sở công ty... Theo đó, hàng năm ở thời điểm này, DN đã phải vay vốn lưu động để trữ nguyên liệu, thanh toán tiền hàng, tuyển nhân công chuẩn bị hàng tết... Song đến lúc này, DN vẫn chỉ lo đi bán hàng, việc sản xuất tuy vẫn đều đặn nhưng  chỉ cầm chừng. “Thậm chí, hàng tồn kho có thể... bán đến Tết bởi sức mua từ đầu năm đến nay đã giảm ít nhất 1/2” – ông Hưng nói.

Với mặt hàng mộc gia dụng, nhiều chủ cửa hàng cũng như cơ sở sản xuất đều cho rằng, dịp cuối năm nay khó có thể được tiêu thụ mạnh. Anh Nguyễn Duy Đông, chủ một cơ sở sản xuất mộc ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa nhận định, mặc dù hiện tại rất nhiều cơ sở thu hẹp sản xuất, thậm chí ngưng hoạt động nhưng lượng hàng cuối năm vẫn không thiếu do sức tiêu thụ chậm, hàng tồn còn nhiều. Anh Đông cũng cho biết thêm, một số cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương hiện nay nhận hàng về bán rất cầm chừng và than nhiều về việc hàng ế. Những sản phẩm có giá trên 100 triệu đồng/bộ năm nay khó bán.

Vi Lâm - Vân Nam

Tin xem nhiều