Báo Đồng Nai điện tử
En

“Làm mới” chợ truyền thống

09:09, 09/09/2012

Sự xuất hiện ồ ạt các siêu thị, trung tâm thương mại đã làm tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống. Vấn đề đặt ra cho kênh phân phối này là, làm sao để tự làm mới mình nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện đại?

Sự xuất hiện ồ ạt các siêu thị, trung tâm thương mại đã làm tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống. Vấn đề đặt ra cho kênh phân phối này là, làm sao để tự làm mới mình nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện đại?

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương chợ truyền thống hiện vẫn là kênh phân phối hàng hóa chính, chiếm khoảng 75% thị trường bán lẻ. Trước sức ép cạnh tranh, nhiều chợ truyền thống cũng đang cải thiện dần về hạ tầng cơ sở, an toàn vệ sinh thực phẩm, văn hóa ứng xử…

* Lép vế cạnh tranh với siêu thị

Tuy nhiên, so với các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang yếu thế hơn trong vấn đề kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó là “nạn” nói thách và nhất là văn hóa ứng xử “chợ búa” trong mua bán của nhiều tiểu thương.

Nhiều tiểu thương giữ chân khách hàng nhờ cách ứng xử khéo léo. Ảnh: B. Nguyên
Nhiều tiểu thương giữ chân khách hàng nhờ cách ứng xử khéo léo. Ảnh: B. Nguyên

Ông Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm hợp tác xã Tân Long, đơn vị hiện đang quản lý chợ Long Bình Tân (TP. Biên Hòa) nhận xét, vì khu chợ này nằm ngay sát siêu thị BigC nên phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Một số hộ kinh doanh do buôn bán ế ẩm đã phải sang nhượng lại sạp hàng trong chợ để chuyển sang ngành nghề khác. “Những điểm yếu chính của chợ so với siêu thị là: khó thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; công tác quản lý hàng hóa đầu vào, nhất là mặt hàng thực phẩm vẫn chưa thực hiện nghiêm; hạ tầng cơ sở chợ xuống cấp trầm trọng (nhà lồng chợ nhiều lần sập cục bộ) nhưng chưa được cải thiện đúng mức” - ông Ba nói.

Chị Hiếu, một tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Biên Hòa cũng chia sẻ, tình hình buôn bán tại chợ ngày càng ế ẩm, ngay cả dịp lễ lớn như 2-9 vừa qua, sức mua cũng không như mong đợi vì hiện nay các siêu thị có quá nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách. Khó khăn của tiểu thương là diện tích các quầy sạp nhỏ hẹp, hàng hóa phải để lấn ra cả lối đi thì nói gì đến việc trưng bày đẹp nhằm thu hút khách. Ngoài ra, tình trạng các chợ tạm, chợ tự phát tràn lan với nguồn hàng trôi nổi, cạnh tranh về giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mãi lực chung của chợ truyền thống.

* Tự làm mới để tồn tại

Trong “cuộc chiến” giữ chân khách hàng, tiểu thương nhiều chợ truyền thống đã phần nào có ý thức khắc phục những điểm yếu của mình nhằm tự đổi mới theo hướng chợ văn minh, hiện đại. Đại diện Ban quản lý chợ Hóa An (TP. Biên Hòa) cho biết, hiện chợ này đang triển khai 2 dự án, gồm: dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước và dự án chợ vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc chương trình thí điểm của quốc gia. Qua đó, điều kiện cơ sở hạ tầng của chợ sẽ được nâng cấp, nhất là khu vực bán các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, việc kiểm soát nguồn gốc và điều kiện kinh doanh thực phẩm tươi sống tại chợ cũng được thực hiện chặt chẽ hơn. Ban quản lý chợ cũng tổ chức cho tiểu thương kiểm tra sức khỏe, tham gia các đợt tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không nằm ngoài mục đích hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống tăng sức bán ra, đặc biệt là hàng Việt, thời gian qua, Sở Công thương Đồng Nai đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp, ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh nhằm rút ngắn khoảng cách khâu phân phối. Đồng Nai cũng đang thực hiện dự án “Vẽ bản đồ phân phối” trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán lẻ qua các kênh truyền thống, tạo điều kiện đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Dự án này được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu ích giúp Sở Công thương nắm thực tế mạng lưới phân phối tại địa phương, hỗ trợ cơ quan Nhà nước quản lý được các dòng chảy hàng hóa, hoạt động chống hàng giả, hàng lậu và bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa chợ văn minh cũng là vấn đề ngày càng được tiểu thương quan tâm. Ông Nguyễn Văn Ba chia sẻ, thời gian đầu, khi siêu thị BigC mới đi vào hoạt động, chợ Long Bình Tân rơi vào cảnh đìu hiu vì siêu thị hút hết khách. Nhưng dần dần, người mua đã bắt đầu quay lại chợ vì nhiều tiểu thương làm khá tốt việc giữ chân khách hàng. Theo đó, tiểu thương đã xây dựng được mối quan hệ thân tình với khách, đi chợ không chỉ để mua bán mà còn là dịp thăm hỏi, trao đổi tâm tình. Với những khách quen, người bán có những ưu đãi về giá, cho mua thiếu khi chưa đến kỳ lương, vui vẻ cho đổi trả hàng. Tiểu thương ở đây cũng thường xuyên học từ siêu thị về cách trưng bày hàng đẹp, kỹ năng giao tiếp để luôn “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Ông Châu Minh Nguyện cho biết, các tiêu chí chính về xây dựng chợ văn hóa hiện có đầy đủ các quy định, từ việc đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đến thái độ phục vụ của tiểu thương, điều kiện cơ sở hạ tầng của chợ. “Việc chấn chỉnh lại hoạt động của chợ truyền thống đang được tỉnh rất quan tâm, nhất là vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế, nhiều tiểu thương trong chợ vẫn kinh doanh rất tốt nhờ biết chăm sóc khách hàng và coi trọng chữ tín trong buôn bán” - ông Nguyện nhận định.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều