Báo Đồng Nai điện tử
En

Kìm giá xăng dầu, doanh nghiệp bớt lo

09:09, 16/09/2012

Liên bộ Tài chính - Công thương đã quyết định tăng mức trích quỹ bình ổn giá và giảm thuế nhập khẩu cho các mặt hàng xăng dầu để giữ nguyên mức giá xăng dầu hiện tại. Đây cũng là biện pháp nhằm giảm áp lực tăng giá trong bối cảnh nền kinh tế đang “yếu  ớt” hiện nay.

 

Liên bộ Tài chính - Công thương đã quyết định tăng mức trích quỹ bình ổn giá và giảm thuế nhập khẩu cho các mặt hàng xăng dầu để giữ nguyên mức giá xăng dầu hiện tại. Đây cũng là biện pháp nhằm giảm áp lực tăng giá trong bối cảnh nền kinh tế đang “yếu  ớt” hiện nay.

Xăng dầu tăng giá sẽ đẩy giá cước vận tải lên. Ảnh: V. Nam
Xăng dầu tăng giá sẽ đẩy giá cước vận tải lên. Ảnh: V. Nam

Nhiều đơn vị vận tải cho biết, sau khi xăng dầu liên tục biến động gần đây, việc không chấp nhận cho các doanh nghiệp (DN) đầu mối tăng giá tiếp tục đã làm họ thấy đỡ lo lắng phần nào.

Ông Lai Thiếu Kinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) vận tải Xuân Khánh (huyện Xuân Lộc), đơn vị có hơn 100 xe vận tải hàng hóa tính toán, mỗi chiếc xe của HTX tiêu thụ trung bình khoảng 40 lít dầu/100 km. Nếu để giá dầu tăng thêm 1.300 đồng/lít như các DN nhập khẩu đề nghị thì chi phí dầu sẽ tăng thêm trên 50 ngàn đồng cho 100 km đường. “Hiện nay, chúng tôi đang vận chuyển hàng cho khách với giá cước thấp nhất, nếu giá dầu tăng thì buộc phải điều chỉnh để bù chi phí. Ngoài ra, mỗi lần giá xăng dầu tăng là những dịch vụ khác đi kèm ngành vận tải cũng tăng theo, đặc biệt là giá bốc dỡ hàng. Giá bốc xếp hiện đã lên đến hơn 40 ngàn đồng/tấn hàng, tính cả hai đầu lên xuống là gần 100 ngàn đồng”, ông Kinh nói.

Giá xăng dầu “nhấp nhổm” như hiện tại cũng khiến các đơn vị vận tải hồi hộp bởi mỗi lần tăng, đơn vị phải thương lượng lại giá với tất cả các khách hàng. Đã không ít lần có đến 70% xe của HTX phải nằm bất động do không điều chỉnh được giá cước, một số xe đã phải “ăn” vào tiền bảo dưỡng do cố chạy cho đúng hợp đồng. Đoàn xe vận tải của HTX Xuân Khánh hoạt động trên địa bàn khá rộng, xe chạy từ Nam ra Bắc, chủ yếu là chở hàng nông sản cho các DN. Ông Kinh cũng cho biết thêm, so với năm vừa qua, lượng hàng hóa vận chuyển năm nay của HTX bị giảm sút nhiều vì giá cước cao nên một số DN ở miền Trung đã chọn phương án chở hàng bằng tàu hỏa. Do đó, giá xăng dầu được kiềm chế ngày nào, DN mừng ngày đó.

Theo quyết định của liên bộ Tài chính - Công thương, thuế nhập khẩu xăng vẫn giữ như quy định hiện hành là 12%; với thuế dầu diesel 10% xuống còn 8%; dầu mazút, dầu hỏa từ 12% xuống 10%. Doanh nghiệp được phép trích từ quỹ bình ổn giá 500 đồng cho mỗi lít xăng, dầu diezel, dầu hỏa, hoặc mỗi kg dầu mazút để bù lỗ. So với mức trích  bù lỗ cũ, mức mới cho xăng không thay đổi. Với các mặt hàng dầu, mức trích được tăng trong khoảng 200-300 đồng cho mỗi lít. Như vậy, sau đợt tăng thêm 650 đồng vào ngày 28-8, giá xăng RON 95 vẫn giữ mức 24.150 đồng/lít; xăng RON 92 là 23.650 đồng/lít, đây cũng là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Xuân Cử, Giám đốc Công ty vận tải Phú Cường A (TP.Biên Hòa) cũng nhận xét, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu giá xăng dầu cứ tiếp tục tăng thì khả năng phục hồi của các DN là rất khó. Công ty Phú Cường A có 40 đầu xe vận tải chở hàng hóa cho các DN sản xuất tại các khu công nghiệp trong TP.Biên Hòa. Từ đầu năm đến nay, sau nhiều lần tăng giá xăng dầu, ông Cử phải xin điều chỉnh giá đối với một số DN. Ông Cử nói: “Khách hàng cũng đồng ý chia sẻ giá cước, song thực tế, áp lực không chỉ “đổ lên đầu” đơn vị vận tải mà DN  sản xuất cũng chịu tác động mạnh hơn vì phải chi thêm cho giá cước vận chuyển khiến giá thành sản phẩm cao, nhiều DN giảm sản xuất hàng hoặc chọn các phương tiện khác. Không ít DN vận tải không trụ nổi do cước phí vận chuyển tăng trong khi không có hàng để chở”.

Vân Nam

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều