Nhờ biết kết hợp hiệu quả mô hình truyền thống: vườn - ao - chuồng, gia đình anh Nguyễn Thái Sinh ở ấp Trảng Táo, xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Nhờ biết kết hợp hiệu quả mô hình truyền thống: vườn - ao - chuồng, gia đình anh Nguyễn Thái Sinh ở ấp Trảng Táo, xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Một góc trang trại của gia đình anh Nguyễn Thái Sinh. |
Những năm trước, với 4 hécta đất rẫy, gia đình anh Sinh chỉ trồng cây điều và cây hoa màu, như: bắp, đậu… Tuy nhiên, do thiếu kinh phí đầu tư nên cây trồng cằn cỗi cho năng suất thấp, đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1992, sau khi tham quan nhiều mô hình sản xuất, anh Sinh thấy mô hình vườn - ao - chuồng là thích hợp. Ban đầu, do ít vốn và chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ đầu tư vài con heo nái để gây đàn để có nguồn giống gây dựng đàn. Anh Sinh cho biết: “Nhờ đất rẫy rộng nên tôi tận dụng tối đa các khoảnh trống để trồng bắp, đậu, dây khoai nhằm tạo nguồn thực phẩm chăn nuôi heo. Kiểu chăn nuôi này, heo có hơi chậm lớn nhưng chắc chắn và ít đầu tư”.
Vừa chăn nuôi vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đến nay hầu hết các bệnh lý thường gặp trên đàn heo đều được anh Sinh nắm bắt phương pháp phòng trị có hiệu quả. Sau 5 năm sau, khi đã tích lũy được kinh nghiệm và số vốn kha khá, anh Sinh quyết định chuyển dần từ lối chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư trang trại, với tổng đàn trên 100 đầu heo thương phẩm và 15 con heo nái mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Khi đàn heo phát triển, anh Sinh đầu tư đào 2.000m2 ao để nuôi cá nhằm tận dụng tối đa nguồn thức ăn dư thừa của heo. Mỗi năm, ao cá cho 2 lứa cá với thu nhập khá cao.
Bên cạnh đó, nhờ tận dụng được nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi và lượng nước tưới trong ao mà vườn điều và cao su của anh Sinh mùa nào cũng xanh tốt, năng suất đạt cao hơn rất nhiều so với các hộ xung quanh. Với nhiều nguồn thu ổn định đó, tuy vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, trang trại của anh Sinh cũng đã cho doanh thu gần 1 tỷ đồng, diện tích được mở rộng lên hơn 10 hécta... Hiện nay, anh đang tiếp tục đầu tư vốn xây bể xi măng, nuôi thử nghiệm 200 con rắn ri voi để tận dụng số lượng cá tạp trong ao.
Ông Lê Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc nhận xét, mô hình đầu tư của anh Sinh hiệu quả và thích hợp với nhiều gia đình nông thôn bởi chi phí đầu tư ít, tận dụng được các sản phẩm từ chăn nuôi cho trồng trọt, giảm vốn đầu tư và mau có lợi nhuận.
Hải Đình