Báo Đồng Nai điện tử
En

“Hồi hộp” xuất khẩu cuối năm

08:09, 10/09/2012

Trong 8 tháng của năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ở một số ngành của nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, không ít DN ở trong tâm thế “hồi hộp” khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm.

Trong 8 tháng của năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ở một số ngành của nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, không ít DN ở trong tâm thế “hồi hộp” khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm.

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm của ngành chế biến gỗ và giày dép không tăng, chỉ tương đương với cùng kỳ năm 2011. Cùng với hai lĩnh vực này, ngành gốm sứ và mây tre đan xuất khẩu cũng gặp nhiều trở ngại.

* Mỹ, châu Âu vẫn khó

Nhiều DN chế biến gỗ xuất khẩu lớn tại Đồng Nai nhận định, khó có thể trông chờ thị trường Mỹ và châu Âu “ấm” lên trong vài tháng nữa. Ông Đỗ Minh Hùng, Giám đốc DNTN Minh Tiến (TP.Biên Hòa) cho biết, sản lượng đồ gỗ bán  vào châu Âu hiện vẫn trong tình trạng giảm sút. Đối với thị trường Mỹ, mặc dù không còn bị “rơi tự do” như trước, nhưng sức tiêu thụ cũng chưa có tín hiệu khả quan. “Cuối tháng 6 vừa qua, tôi sang Mỹ khảo sát lại thị trường xem mức tiêu thụ hàng đã tốt chưa để cho xuất khẩu trở lại, nhưng thấy sức mua còn khá yếu. Tôi nghĩ, từ nay tới cuối năm, thị trường Mỹ có thể tăng được đôi chút nhưng không đáng kể”, ông Hùng chia sẻ. Hiện, DN Minh Tiến vẫn đang cố gắng đẩy mạnh mặt hàng kệ gỗ xuất qua Nhật.

Đan hàng thủ công mỹ nghệ tại Hợp tác xã  Định Quán. Ảnh: V. NAM
Đan hàng thủ công mỹ nghệ tại Hợp tác xã Định Quán. Ảnh: V. NAM

Ở lĩnh vực đan lát, chị Nguyễn Thị Uyên Như, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty Tân Cửu Long (ở TP.Hồ Chí Minh, có xưởng sản xuất tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) cho biết, những năm trước từ tháng 7 trở đi, đơn hàng bắt đầu nhiều dần, nhưng năm nay sang tới tháng 9, tình hình vẫn còn khá yên ắng. Thị trường chính của Tân Cửu Long hiện nay vẫn là Đức và Nga. Chị Như cũng cho biết thêm, trước đây kim ngạch xuất khẩu của DN đạt khoảng 1,5 triệu USD/tháng, trong đó thị trường Đức đạt gần 1 triệu USD, thị trường Nga hơn 500 ngàn USD. Từ đầu năm, đến nay ở thị trường Đức sụt giảm chỉ còn 600 ngàn USD/tháng, riêng thị trường Nga vẫn đang cố gắng “cầm cự”.

* Trông đợi thị trường châu Á

Dù là 2 thị trường truyền thống của xuất khẩu, song nhiều thị trường châu Âu và Mỹ hiện tại đang làm nhiều DN “ngán ngại” do mức độ suy giảm kinh tế ở khu vực này khá sâu. Nhiều DN chuyển hướng sang các thị trường châu Á. Phó giám đốc một công ty chuyên về thủ tục xuất khẩu mặt hàng thủy sản đông lạnh cho gần 10 DN sản xuất ở Đồng Nai cho rằng, cuối năm nay, mặt hàng thủy sản xuất vào châu Âu khó mà tăng trở lại được. Xuất khẩu thủy sản hiện nay chỉ trông chờ tăng ở các thị trường như Nhật và Hàn Quốc. Vị phó giám đốc này cũng cho biết thêm, 8 tháng đầu năm nay bình quân mỗi tháng kim ngạch chỉ đạt khoảng 700 ngàn USD, bằng 1/3 so với những năm trước. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản vào EU đạt khoảng 650 triệu USD, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2011. Một khó khăn khác trong thời điểm cuối năm nay là giá cá nguyên liệu đang tăng. Hiện cá tra đang ở mức giá 24 ngàn đồng/ kg, cao hơn cùng kỳ năm 2011 khoảng 1 ngàn đồng/kg và vẫn có chiều hướng tăng do lượng cá năm nay ít, khiến giá thành sản phẩm cao. 

Sản xuất đồ gỗ ở Công ty TNHH Hố Nai. Ảnh: V. NAM
Sản xuất đồ gỗ ở Công ty TNHH Hố Nai. Ảnh: V. NAM

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà xuất nhập khẩu Đồng Nai cũng cho rằng, nhiều ngành hàng xuất khẩu ở cuối năm nay không mấy dễ dàng do thị trường chưa mạnh, trong khi chi phí sản xuất của các DN cao làm đội giá thành sản phẩm rất khó cạnh tranh. DN xuất khẩu hiện trông chờ nhiều vào sức tiêu thụ tốt ở các thị trường mới, như: châu Á, Trung Đông và một ít ở châu Phi. “Giá xăng, dầu, gas còn tăng thì cước vận tải và chi phí sản xuất vẫn tiếp tục tăng, đẩy giá thành lên, sản phẩm kém sức cạnh tranh. Hiện tại, sản phẩm đồ gỗ và hàng đan lát đang phải cạnh tranh rất mạnh với Trung Quốc; còn thủy sản gần đây phải “đua” với Thái Lan và Indonesia rất quyết liệt” - ông Tuấn nói.

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều