Báo Đồng Nai điện tử
En

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Lợi ích nhà đầu tư hay bảo vệ môi trường?

08:09, 03/09/2012

Trong một số dự án làm thủy điện cho thấy xung đột về quan điểm giữa chủ đầu tư và nhà bảo vệ môi trường là không thể tránh khỏi. Một bên nhân danh vì mục tiêu phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh (thực chất là vì lợi nhuận) để phá rừng làm thủy điện và một bên là những người chỉ vì lợi ích cộng đồng và bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học, chống lại việc phá rừng xây thủy điện.

Trong một số dự án làm thủy điện cho thấy xung đột về quan điểm giữa chủ đầu tư và nhà bảo vệ môi trường là không thể tránh khỏi. Một bên nhân danh vì mục tiêu phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh (thực chất là vì lợi nhuận) để phá rừng làm thủy điện và một bên là những người chỉ vì lợi ích cộng đồng và bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học, chống lại việc phá rừng xây thủy điện.

Điển hình như 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong 2-3 năm gần đây đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí đăng tải chính kiến của các nhà khoa học phản ứng gay gắt việc làm 2 dự án thủy điện này.

* Tác động cực xấu đến môi trường

Mới đây, sự việc càng gây bức xúc trong giới khoa học và công luận khi ông Viện trưởng Viện Môi trường - tài nguyên (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường do Viện Môi trường - tài nguyên thực hiện cho thấy, có thể xây dựng được thủy điện Đồng Nai 6 và 6A!?”. Cũng theo ông Viện trưởng này, thì diện tích rừng của Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên bị mất rất ít so với các dự án thủy điện khác, chỉ  xấp xỉ 137 hécta và hơn 235 hécta rừng phòng hộ. Đồng thời các loài thực vật, động vật quý hiếm cũng không đáng kể, không làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường… (Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 28-8).

Du khách chờ đò qua sông vào Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: X.P
Du khách chờ đò qua sông vào Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: X.P

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về “Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường “ của Viện Môi trường - tài nguyên, TS. Phạm Hữu Khánh, chuyên gia về đa dạng sinh học, đã có gần 30 năm công tác ở VQG Cát Tiên thẳng thừng phản biện: “Không thể nói diện tích VQG Cát Tiên bị mất ít mà có thể “thông cảm” để cho xây dựng 2 công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đó là một cách nhìn phiến diện và thiếu khoa học! Một vài trăm hécta rừng của VQG bị phá đi làm thủy điện chắc chắn tác động rất xấu đến toàn bộ hệ sinh cảnh Cát Tiên”.

TS. Khánh phân tích, việc phá rừng Cát Tiên sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nói chung, ảnh hưởng đến cả vùng hạ lưu sông Đồng Nai, đặc biệt là hệ sinh thái đất ngập nước Bàu Sấu của VQG Cát Tiên đã được công nhận là khu Ramsar thế giới vào năm 2005. Bàu Sấu được xem là vùng đất ngập nước ngọt nội địa ven sông độc đáo của miền Đông Nam bộ và của Việt Nam, là giá trị nổi bật nhất toàn cầu về tính đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên; đó còn là nguồn nước ngọt nuôi dưỡng hơn 15 triệu người dân vùng hạ lưu.

 

Cũng theo ông Khánh, hệ sinh thái đất ngập nước Bàu Sấu không có khả năng đảo ngược, tức là không thể bồi hoàn, cải tạo, do vậy nếu bị tác động ảnh hưởng từ các dự án thủy điện thì Bàu Sấu sẽ mất đi vĩnh viễn. 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A chính là thách thức, là mối đe dọa đến hệ sinh thái đất ngập nước Bàu Sấu.

* Thủy điện hay di sản thiên nhiên thế giới?

Các nhà làm công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam đã dự báo một kịch bản cực kỳ xấu sẽ xảy ra nếu như cứ khư khư cho triển khai làm 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Việc tác động xấu đến môi trường và tính đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên là điều không thể tránh khỏi, đồng thời ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt của hơn chục triệu  người sinh sống ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai.

Trước mắt, Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên đang làm thủ tục để được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO)  xem xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, đây là một vinh dự lớn cho Việt Nam. Trong hồ sơ trình UNESCO không thể không có hệ sinh thái vùng đất ngập nước Bàu Sấu. Dự kiến vào trung tuần tháng 9 năm nay, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) là cơ quan được UNESCO mời làm tư vấn sẽ đến VQG Cát Tiên để thẩm định hồ sơ đề cử VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu như trong báo cáo thẩm định trình UNESCO lại có 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chuẩn bị xây dựng sẽ làm thay đổi hệ thủy văn và chất lượng nguồn nước ngọt của Bàu Sấu?

Dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi về nghiên cứu đánh giá của Viện Môi trường - tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) có tính khách quan hay không khi được Tập đoàn Đức Long Gia Lai là chủ đầu tư của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thuê làm báo cáo đánh giá tác động môi trường? Thực tế ở một số dự án thủy điện miền Trung đã cho thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường được chủ đầu tư thuê làm đã không khách quan, trung thực dẫn đến công trình thủy điện xây xong thì gây tác động xấu đến môi trường và đời sống người dân vùng hạ lưu bị ảnh hưởng nghiêm trọng: nắng thì ruộng đồng bị khô hạn và mưa là gánh chịu lũ lụt, điển hình là thủy điện Sông Ba.

“Mất rừng thì trồng lại rừng”, đó cũng là một lập luận “mơ hồ” của ông Viện trưởng Viện Môi trường - tài nguyên và đã bị các nhà khoa học về lâm sinh phản bác, bởi rừng trồng không thể có tính đa dạng sinh học như rừng nguyên sinh do không có các cấu trúc tầng tán bảo vệ các lớp mặt đất và bảo tồn đa dạng về loài. 

Chuẩn bị cho 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chắc hẳn chủ đầu tư đã phải tốn kém khá nhiều chi phí. Do vậy, “quyết tâm” của nhà đầu tư phải làm cho bằng được 2 dự án thủy điện này để thu hồi lại vốn là điều dễ hiểu. Nhưng chả lẽ vì lợi ích của một nhóm nhà đầu tư mà đánh đổi lợi ích của cả cộng đồng, đánh đổi những giá trị bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo, hiếm hoi của Việt Nam, của cả thế giới và bất chấp các cảnh báo về sự an nguy nguồn nước ngọt của 15 triệu người sống ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai?

Xuân Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều