Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng hàng thực phẩm, đặc biệt là đối với những điểm bán hàng bình ổn giá. Đồng Nai là tỉnh cung cấp một lượng lớn thực phẩm, nhất là thịt gia súc, gia cầm và trứng cho TP.Hồ Chí Minh. Do đó, các đơn vị sản xuất cũng như kinh doanh của hai địa phương đang cần gắn kết để mang lại hiệu quả cao.
Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng hàng thực phẩm, đặc biệt là đối với những điểm bán hàng bình ổn giá. Đồng Nai là tỉnh cung cấp một lượng lớn thực phẩm, nhất là thịt gia súc, gia cầm và trứng cho TP.Hồ Chí Minh. Do đó, các đơn vị sản xuất cũng như kinh doanh của hai địa phương đang cần gắn kết để mang lại hiệu quả cao.
Buổi làm việc giữa hai Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng với một số doanh nghiệp (DN) lớn của hai địa phương vào ngày 14 - 9 vừa qua cho thấy, có nhiều hứa hẹn trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
* Sẻ chia lợi ích
Không phải tới bây giờ các nhà sản xuất và kinh doanh của TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai mới tìm đến nhau để tạo sự liên kết mà việc liên kết tạo thành chuỗi cung ứng thực phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng đã được một số đơn vị thực hiện. Nhưng chuỗi liên kết này không bền chặt được bởi các bên đều chưa thực sự chia sẻ lợi ích cho nhau.
Công nhân Nhà máy D&F đang đóng gói sản phẩm thịt gia cầm. Ảnh: V. NAM |
Anh Trần Xuân Dương, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh cho biết: “Trước đây công ty cũng đã phối hợp với các DN ở TP.Hồ Chí Minh để liên kết bán hàng, tạo thành một chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, khi giá gà xuống thấp và người chăn nuôi đang bị lỗ thì không nhận được sự chia sẻ của đơn vị kinh doanh, nên sau đó mối liên kết này phải dừng”. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy D&F cũng cho rằng, việc tạo ra một chuỗi liên kết là cần thiết, nhưng để mối liên kết đó được bền chặt thì phải tính toán được lợi ích chung cho mỗi thành viên trong đó.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn nói: “Heo của Phú Sơn nuôi đảm bảo an toàn có chất lượng tốt, các DN có thể truy nguyên nguồn gốc được, đương nhiên giá bán phải cao hơn so với heo trôi nổi. Thế nhưng, đơn vị giết mổ và chế biến lại so sánh giá với heo trôi nổi, như thế rất khó gặp được nhau”.
* Nhiều cơ hội
Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang rất quan tâm đến những sản phẩm sạch và có thể truy nguyên nguồn gốc hàng hóa. Chính vì vậy, những DN lớn tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố đều có liên kết hoặc đầu tư vùng chăn nuôi tại Đồng Nai, đơn cử như các công ty Vissan, Phạm Tôn, Sơn Hà. Bà Đào nói: “Về quản lý Nhà nước, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn để cho sự liên kết của các DN được mở rộng và gắn kết hơn trong thời gian tới. Quá trình ký kết hợp tác giữa các DN hai địa phương cũng sẽ được theo dõi xuyên suốt để tránh những rủi ro cho người chăn nuôi, có những phương án để giúp các DN chia sẻ lợi nhuận ngay cả trong lúc khó khăn, tạo mối liên kết bền vững. Quan điểm của thành phố là không để cho DN tham gia hàng bình ổn bị lỗ”.
Giá gà giảm mạnh Theo nhiều trang trại lớn tại Đồng Nai, giá gà trắng bán ra hiện chỉ còn 21-22 ngàn đồng/kg, gà tam hoàng 27-28 ngàn đồng/kg, giảm 11-12 ngàn đồng/kg so với cách đây hơn 1 tuần. Theo các chủ trang trại nuôi gà ở huyện Thống Nhất, dịp đầu tháng 9-2012, gà trắng đột ngột tăng lên 33 ngàn đồng/kg, gà tam hoàng lên 40 ngàn đồng/kg. Song thời gian tăng giá gà chỉ được khoảng 4-5 ngày, sau đó liên tiếp hạ thấp hơn cả trước khi tăng. Với giá gà thịt như hiện tại, người chăn nuôi đang lỗ từ 8-10 ngàn đồng/kg khi có gà xuất chuồng. Một số chủ trại cho biết, gần 1 năm nay, giá gà thịt luôn nằm dưới giá thành từ 7-10 ngàn đồng/kg nên nhiều trang trại thua lỗ lớn, có trại lỗ hàng tỷ đồng. |
TP.Hồ Chí Minh hiện có những chính sách hỗ trợ tối đa cho các DN của mình để tiêu thụ sản phẩm bằng cách mở rộng các kênh phân phối. Điều này có thể thấy được qua việc tăng nhanh các điểm bán hàng bình ổn giá. Nếu như năm 2008, TP.Hồ Chí Minh chỉ có gần 250 điểm bán hàng bình ổn giá thì đến nay đã có 4 ngàn điểm. Từ năm 2010 trở về trước, hàng bình ổn giá chỉ được bán vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng 3 năm nay đã thực hiện suốt cả năm. Giá bán ở các điểm bình ổn luôn thấp hơn từ 5-10% nên lựợng hàng tiêu thụ được khá lớn.
Hiện tại, thành phố đang đẩy mạnh bán hàng vào các khu công nghiệp bằng hệ thống cửa hàng tiện ích. Các hệ thống siêu thị cũng đang được tạo điều kiện để phát triển thêm. Về sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, năng lực giết mổ của thành phố cũng không thể đáp ứng nổi vì chỉ có 26 cơ sở nên rất cần đến những lò mổ ở các tỉnh lân cận.
Bà Đào cũng cho biết thêm, hiện các DN đang chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán 2013. Những sản phẩm mà Đồng Nai đang có thế mạnh là thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm. Đây là cơ hội để sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai tiêu thụ tốt hơn ở thị trường TP.Hồ Chí Minh.
Vân Nam