Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội cho hàng Việt

09:09, 21/09/2012

Cuối năm nay, “Bản đồ phân phối hàng Việt” của Đồng Nai sẽ được  Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) công bố và chuyển giao cho Sở Công thương. Một “bức tranh” chi tiết được khắc họa về thị trường tiêu thụ và các dòng hàng lưu thông ở Đồng Nai sẽ là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) tiếp cận nắm bắt thị trường.

Cuối năm nay, “Bản đồ phân phối hàng Việt” của Đồng Nai sẽ được  Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) công bố và chuyển giao cho Sở Công thương. Một “bức tranh” chi tiết được khắc họa về thị trường tiêu thụ và các dòng hàng lưu thông ở Đồng Nai sẽ là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) tiếp cận nắm bắt thị trường.

Công ty Nutriworld đang bán hàng ở hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức tại TP.Biên Hòa. Ảnh: V. NAM
Công ty Nutriworld đang bán hàng ở hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức tại TP.Biên Hòa. Ảnh: V. NAM

Ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Công thương, cho biết, theo hợp đồng với BSA thì cuối năm nay đơn vị này sẽ hoàn tất và chuyển giao cho sở bản đồ phân phối hàng Việt. Bản đồ này sẽ thể hiện đầy đủ thông tin, chi tiết về thực trạng và quy mô thị trường hàng tiêu dùng trong tỉnh. Ở mỗi khu phố, hay trên những con đường có bao nhiêu điểm bán hàng, các mặt hàng, chủ cửa hàng là ai, doanh số bán ra của từng sản phẩm… đều được thể hiện trên bản đồ này. BSA còn nghiên cứu các hệ thống vận chuyển hàng hóa, tình hình phân phối hàng Việt, hệ thống kho bãi, hệ thống bán lẻ, danh mục nhà phân phối là các tổng đại lý. Khi có bản đồ này sở sẽ đưa lên internet để người xem chỉ cần truy cập tìm những thông tin về thị trường từ thành thị đến các vùng nông thôn ở Đồng Nai có đầy đủ. Bản đồ này còn đánh giá cả về thị hiếu tiêu dùng của người dân trong từng khu vực cụ thể.

Ông Dân cũng cho rằng, đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa. Nhờ vào bản đồ này, các DN sẽ đánh giá được sức tiêu thụ hàng hóa của từng khu vực và sức mua của thị trường để có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. “Các DN nhỏ và vừa rất khó có điều kiện để  làm công tác nghiên cứu về thị trường, nhất là thị trường vùng nông thôn. Từ chỗ không có được thông tin đầy đủ thiếu chính xác dẫn đến DN lúng túng không thể điều hành được kế hoạch sản xuất và phân phối hàng” - ông Dân nói.

Anh Nguyễn Tấn Phú, Giám đốc Công ty Thế Giới Dinh Dưỡng (Nutriworld),  cho hay, gần 2 năm nay sản phẩm nấm mèo xuất khẩu của công ty giảm sút mạnh. Công ty muốn đẩy mạnh việc tiêu thụ nội địa để bù cho xuất khẩu nhưng gặp khó khăn do không có được nhiều về thông tin thị trường. Suốt mấy năm qua ở thị trường nội địa, sản phẩm của Nutriworld vẫn chỉ trồi sụt trên dưới 120 tấn/năm không sao tăng thêm được. Không chỉ riêng Nutriworld mà còn rất nhiều DN cũng trong tình trạng này. Anh Phú cũng cho rằng, nếu DN tiếp cận được bản đồ phân phối hàng Việt có đầy đủ thông tin như vậy thì sẽ lập được phương án đẩy mạnh tiêu hàng, bớt mò mẫm như hiện nay.

Bản đồ phân phối hàng Việt không chỉ đơn thuần hỗ trợ cho DN mà nó còn được xem là “chìa khóa” cho vấn đề quản lý thương mại. Bản đồ sẽ giúp cho các nhà quản lý nắm được dòng chảy của hàng hóa và sẽ hỗ trợ tốt cho công tác bình ổn giá. Tại hội thảo “Kết nối miền Đông lần thứ II” được tổ chức tại TP.Biên Hòa vào cuối tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng việc vẽ bản đồ phân phối hàng hóa giúp địa phương nắm đầy đủ thông tin từ đó quản lý tốt trong khâu phân phối lưu thông cũng như quản lý quy hoạch. Ông Dân cho biết thêm, khi bản đồ này được BSA hoàn tất, Sở Công thương sẽ thông báo rộng rãi và chuyển giao cho các DN của tỉnh nếu có nhu cầu sử dụng. Cho đến nay, BSA đã vẽ bản đồ phân phối hàng Việt cho 6 tỉnh miền Tây Nam bộ và được chuyển giao cho nhiều DN sản xuất và thương mại.

Vân Nam

 

Tin xem nhiều