Ở xã An Viễn (huyện Trảng Bom), nhiều hộ có 1-2 hécta đất vẫn gặp khó khăn. Thế nhưng, anh Tạ Đình Dũng ở ấp 6 chỉ với 0,3 hécta đất trồng thiên lý, mỗi tháng thu lời hàng chục triệu đồng.
Ở xã An Viễn (huyện Trảng Bom), nhiều hộ có 1-2 hécta đất vẫn gặp khó khăn. Thế nhưng, anh Tạ Đình Dũng ở ấp 6 chỉ với 0,3 hécta đất trồng thiên lý, mỗi tháng thu lời hàng chục triệu đồng.
Gần 20 năm trước, vợ chồng anh Dũng đến Đồng Nai với hai bàn tay trắng. Trải qua nhiều gian nan, đến nay anh đã có trong tay gia tài trị giá vài tỷ đồng. Ước mơ của anh sẽ hình thành một trang trại chuyên sản xuất bông thiên lý sạch cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
* Thuê đất làm ăn
Chúng tôi tìm đến nhà anh Dũng vào một ngày cuối tháng 8-2012, giữa vùng đất rộng thênh thang toàn là điều và tre là một khu vườn trồng thiên lý đang thời kỳ cho bông. Thiên lý được bắc giàn để leo cao chừng hơn 1 mét. Bước vào khu vườn, thoang thoảng mùi hương thơm dịu mát của bông thiên lý khiến mệt mỏi trong người như tan biến. Tiếp chúng tôi là một nông dân nhỏ người, nước da sạm nắng của những ngày dầm mưa, dãi nắng trên mảnh đất cát trắng bạc màu. Sau một tuần trà, anh kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình.
Với nghề phụ là làm lồng chim, anh Dũng lời 10 triệu đồng/tháng. Ảnh: H. Giang |
Anh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định, cũng như bao nhiêu thanh niên khác đến tuổi trưởng thành thì lập gia đình rồi lo làm ăn. Vốn có sẵn trong người chút bốc đồng tuổi thanh niên, anh theo một người quen đi buôn bán đường dài để nhanh chóng đổi đời. Dù biết Nhà nước cấm nhưng anh vẫn tham gia vào đường dây buôn bán thuốc tây, xe máy qua biên giới, số tiền anh kiếm được ngày một nhiều. Nhưng đi đêm có ngày gặp ma, trong một vụ làm ăn lớn bị đổ bể, số tiền anh kiếm được dễ dàng thì cũng ra đi… nhẹ nhàng. Sau đợt trắng tay ấy, anh còn bị công an gọi lên nhắc nhở.
Nằm trong nhà cả tuần lễ để ngẫm nghĩ về cái sự đi buôn lậu chẳng ra chi, nhìn 3 đứa con trai, đứa lớn bắt đầu đi học, đứa bé bi bô tập nói, anh ngộ ra một điều, phải làm ăn lương thiện để làm gương cho con. Để xóa đi phần quá khứ không mấy đẹp đẽ của mình, anh cùng vợ đưa con vào Đồng Nai lập nghiệp. Vốn liếng không có, hai vợ chồng anh xin đi làm công nhân. Sau hơn 10 năm làm công nhân, số tiền vợ chồng anh dành dụm được không mua nổi mảnh đất cắm dùi. Thấy các con ngày một lớn, tiền ăn, học ngày càng nhiều, anh bàn với vợ bỏ làm công nhân về xã An Viễn thuê đất để trồng trọt. Mô hình anh chọn để đổi đời chính là trồng thiên lý.
* Giấc mơ lập trang trại
Đầu năm 2005, về ấp 6, xã An Viễn, anh Dũng thuê và mượn được khoảng 3 sào (3 ngàn m2) đất để trồng thiên lý. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cây thiên lý đến lúc cho bông nhiều lại chết. Anh phải lặn lội xuống tận Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), lên Lâm Đồng tìm đến những hộ trồng thiên lý thành công để học hỏi kinh nghiệm. Sau hơn 1 năm ngược xuôi học hỏi kinh nghiệm, anh đã trồng thành công cây thiên lý.
Anh Tạ Đình Dũng trong vườn trồng thiên lý. Ảnh: H. Giang |
Cũng vì khó trồng, bông thiên lý bán có giá, khoảng 40-50 ngàn đồng/kg. Vào mùa cưới, dịp lễ tết và thời điểm cây cho ít bông giá lên đến 70-80 ngàn đồng/kg. Anh Dũng cho biết: “Cây thiên lý không kén đất trồng, nhưng đòi hỏi chăm sóc đúng cách mới ra bông nhiều và tuổi thọ cao. Với vườn thiên lý, tôi lời hơn 20 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ trồng thiên lý mà vợ chồng tôi có tiền nuôi các con học hành tử tế, mua đất cất nhà. Các con tôi thấy cha mẹ làm làm lụng vất vả nên đứa nào cũng chăm chỉ học, ngoài giờ học phụ giúp cha mẹ làm vườn”.
Sau 6 năm trồng thiên lý thành công, gia đình anh Dũng từ hộ phải đi thuê nhà ở, nay đã có nhà cửa khang trang và anh còn mua được thêm 2 mảnh đất trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài trồng thiên lý, anh Dũng còn học thêm nghề làm khung lồng chim bằng tre. Tận dụng nguồn tre có sẵn tại địa phương, ngoài thời gian làm vườn, anh đi mua tre về làm khung lồng chim bán cho các hộ chuyên làm lồng chim ở Trảng Bom, TP. Biên Hòa. Nghề phụ này giúp gia đình anh thu nhập thêm khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Anh Dũng khoe với chúng tôi: “Tôi đang tìm mua trên 1 hécta đất lập trang trại trồng bông thiên lý theo các quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt) để đưa hàng vào hệ thống siêu thị và các nhà hàng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh”.
Để có đủ lượng hàng cung cấp cho các mối, hiện anh Dũng còn giúp giống kỹ thuật cho một số hộ trong xã cùng trồng thiên lý. Ông Nguyễn Văn Rung, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn cho hay: “Từ trước đến nay, nông dân muốn làm giàu phải có nhiều đất, nhưng hộ anh Dũng từ thuê đất sản xuất vươn lên khá giả rất hiếm”.
Chia tay với anh Dũng vào buổi chiều muộn, chúng tôi vui lây mới ước mơ sắp trở thành hiện thực của anh. Với tính cần cù, ham học hỏi, chắc chắn trang trại trồng thiên lý sạch của anh Dũng sẽ thành hiện thực trong nay mai.
Hương Giang