Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu quay về “sân nhà”

11:08, 19/08/2012

Vào những thời điểm mà thị trường xuất khẩu (XK) gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) mong muốn quay về “sân nhà”. Tuy nhiên, khi sóng gió qua đi, DN lại tỏ ra ngại ngần trước một chiến lược “dài hơi” cho thị trường nội địa.

 

Vào những thời điểm mà thị trường xuất khẩu (XK) gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) mong muốn quay về “sân nhà”. Tuy nhiên, khi sóng gió qua đi, DN lại tỏ ra ngại ngần trước một chiến lược “dài hơi” cho thị trường nội địa.

Khi được hỏi, DN xuất khẩu nào cũng cho rằng, về lâu dài thị trường trong nước với hơn 87 triệu dân luôn là thị trường đầy hấp dẫn cho nhiều ngành nghề, như: chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, may mặc, giày da…

* Trăm điều khó

Câu hỏi đặt ra là DN có năng lực sản xuất hàng hóa xuất khẩu làm hài lòng người tiêu dùng ở những thị trường khó tính nhất, như: châu Âu, Mỹ, Nhật thì có thể bán hàng trong nước hay không? Giám đốc một DN chuyên xuất khẩu giày da lớn có nhà máy tại Đồng Nai và Bình Dương khẳng định là có thể được. Theo đó, nhiều DN hoàn toàn tự tin về năng lực sản xuất và tay nghề của mình có thể đáp ứng được thị trường trong nước. Tuy nhiên, lời giải của bài toán này không chỉ nằm ở chỗ đó. Theo giám đốc DN này, khó nhất vẫn là mạng lưới phân phối không có, thêm vào đó là các yếu tố khác, như: hàng chưa có thương hiệu, thiếu đội ngũ bán hàng, thị hiếu trong nước khác với thị trường XK… Chính vì vậy, dù rất muốn song DN vẫn chưa thể triển khai việc xây dựng mạng lưới bán hàng trong nước.

Sản phẩm của Vinacafé Biên Hòa vừa xuất khẩu vừa bán rộng rãi trong nước do xây dựng được mạng lưới phân phối tốt. Ảnh: K. Giới
Sản phẩm của Vinacafé Biên Hòa vừa xuất khẩu vừa bán rộng rãi trong nước do xây dựng được mạng lưới phân phối tốt. Ảnh: K. Giới

Ở một lĩnh vực khác, Công ty chế biến gỗ Quyết Thành ở huyện Trảng Bom chuyên làm hàng xuất khẩu, cho biết năm 2011 DN phải “chia tay” với thị trường châu Âu bởi không bán được hàng. Ban giám đốc công ty chạy đôn chạy đáo tìm được 2 thị trường mới là Nga và Hàn Quốc. Tuy vậy, ngay cả khi rất khó khăn về thị trường xuất khẩu, Công ty chế biến gỗ Quyết Thành vẫn chưa nghĩ đến việc trở lại thị trường nội địa. Đề cập về vấn đề tiêu thụ sản phẩm trong nước, chị Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc công ty cho biết, DN đã thử nhưng không thành công. Theo đó, từ năm 2007, khi kinh tế chưa bị khủng hoảng thì Công ty chế biến gỗ Quyết Thành đã nghĩ đến việc tiêu thụ hàng ở trong nước. Nhiều hội chợ đồ gỗ tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… DN cũng tham gia để tìm đối tác nhưng đều không thu được kết quả. Chị Phương chia sẻ: “Chúng tôi thấy đồ gỗ nội ngoại thất ở dòng hàng gỗ rừng trồng trong nước bị hàng Trung Quốc cạnh tranh khá mạnh. Chúng tôi đưa sản phẩm ra rất khó bán vì mẫu mã hàng và chất liệu gỗ không hợp với thị hiếu người Việt. Số khách nội địa sử dụng hàng theo kiểu Tây hiện nay chưa được nhiều nên chúng tôi phải trở lại thị trường xuất khẩu”.

Vấn đề này cũng được ông Trần Văn Thành, Giám đốc DN tư nhân Kiến Phúc (TP. Biên Hòa), đồng tình. Ông Thành lý giải, thị trường trong nước chưa mặn mà với sản phẩm nội thất làm bằng các loại gỗ, như: cao su, tràm... được làm với kiểu dáng hàng xuất khẩu.

* Tính chuyện lâu dài

Vẫn chọn thị trường XK là nơi làm ăn chính trong ít nhất vài năm tới, song nhiều DN vẫn cho rằng, về lâu dài cũng phải tính đến thị trường trong nước, trước mắt là tìm hướng vừa XK, vừa bán hàng trong nước. Tuy vậy, việc “đứng hai chân” trên cả 2 thị trường hiện tại chưa nhiều DN ở Đồng Nai làm được.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó giám đốc Sở Công thương, nhận định nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai đã và đang làm được điều này. Nhưng với DN trong nước lại khó làm được như vậy do thiếu kinh phí, tầm nhìn, kinh nghiệm xây dựng mạng lưới phân phối, tiếp thị… “Tuy vậy, về lâu về dài, DN sẽ phải xây dựng mạng lưới bán hàng thị trường trong nước, bởi thị trường XK đang ngày càng bấp bênh và nhiều rủi ro, đặc biệt ở những giai đoạn kinh tế thế giới khó khăn, khủng hoảng” - ông Nguyện nói.

Theo đó, nhiều DN Việt Nam cũng đã và đang làm tốt việc “đi bằng cả 2 chân”, như: gốm sứ Minh Long, gỗ Trường Thành, giày dép Biti’s, cà phê của Vinacafé Biên Hòa… Tùy vào DN, số lượng hàng hóa bán trong nước có thể là nhiều hay ít.

Tại buổi báo cáo về tình hình sản xuất với công ty mẹ (Tổng công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản Đồng Nai) vừa qua, chị Phạm Thị Uyên Thi, Phó giám đốc Công ty cổ phần cao su màu (Casum) cho biết về XK, DN mới mở rộng thêm được thị trường Mỹ và Trung Đông nên khá ổn định, song DN vẫn đang xây dựng kế hoạch để phát triển thị trường trong nước và xác định đây là mục tiêu lâu dài. Thời gian qua, Casum cũng bị áp lực khá nhiều về đơn hàng xuất khẩu, do đó vẫn chưa thể triển khai việc bán hàng tại thị trường trong nước. Muốn vậy, DN phải hoàn tất được hệ thống bán hàng vì đây là một trong những yếu tố quyết định thành công của việc bán hàng trong nước. “Mục tiêu sẽ phát triển ở thị trường trong nước của Casum đã có, nhưng chúng tôi phải lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ mới triển khai được, vì bán hàng nội địa hoàn toàn khác với XK” - chị Thi nói.

Khắc Giới - Vi Lâm

 

Tin xem nhiều