Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm mục đích tạo thêm việc làm, nâng cao tay nghề sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo là miễn phí, song nhiều nông dân vẫn ngại tham gia.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm mục đích tạo thêm việc làm, nâng cao tay nghề sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo là miễn phí, song nhiều nông dân vẫn ngại tham gia.
Mỗi năm, toàn tỉnh đào tạo được gần 8 ngàn lao động nông thôn. Trong đó, nông dân tham gia học nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 36%, còn lại là các nghề phi nông nghiệp.
* Thời gian quá dài
Ngoài các lớp tập huấn ngắn hạn cho nông dân về chăm sóc cây trồng, vật nuôi của ngành nông nghiệp thì Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) cũng liên kết với trung tâm dạy nghề các huyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh việc nâng cao trình độ tay nghề trong sản xuất nông nghiệp, các trung tâm còn đào tạo các nghề khác, như: may, hàn, mộc, đan lát, nấu ăn... để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Các lớp dạy nghề cũng bố trí giờ tương đối hợp lý cho người tham gia, nhưng số lượng nông dân tham gia học nghề chưa cao. Nguyên nhân vì ngại thời gian quá dài, thường từ 3 - 6 tháng liên tục, nông dân khó bỏ ruộng rẫy để tham gia đầy đủ. Mặt khác, chương trình dạy lại nặng lý thuyết, chưa phù hợp với đối tượng học.
Người dân Định Quán tham gia học nghề may tại Trung tâm dạy nghề huyện để có thêm việc làm khi nông nhàn. Ảnh: K. Minh |
Chị Trần Thị Thanh Lệ (ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) cho biết: “Tôi có trang trại nuôi heo nên dịp đầu năm 2012 có tham gia lớp học nghề về chăn nuôi, thú y. Khóa học kéo dài đến 3 tháng, một số người phải bỏ giữa chừng vì không có thời gian. Ngoài ra, giáo viên dạy còn nặng về lý thuyết nên nhiều chỗ thấy rất khó hiểu”. Anh Trần Văn Dương ở ấp 2A xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) thì lại tỏ ra tiếc rẻ: “Vừa qua, tôi được mời tham gia lớp đào tạo nghề trồng trọt, nhưng thời gian học quá dài nên đăng ký rồi lại không tham gia được. Tôi là lao động chính, nếu đi học thời gian dài liên tục, sẽ không có ai chăm sóc mấy hécta xoài”.
Hiện nay, Đồng Nai vẫn còn hơn 60% dân số sống bằng nông nghiệp, thu nhập trên cùng một vùng đất nông nghiệp chênh lệch khá lớn. Cụ thể, cùng một vùng đất điều kiện thổ nhưỡng như nhau, cùng một loại cây trồng, song có hộ thu lãi vài trăm triệu đồng/hécta/năm, hộ chỉ thu 20-30 triệu đồng/hécta/năm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch lớn về lợi nhuận là do trình độ tay nghề sản xuất còn thấp.
* Nhiều ngành cùng vào cuộc
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và một số sở, ngành khác đều có nhiều chương trình đào tạo nghề cho nông dân, nhưng các chương trình đa số làm riêng lẻ chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, dẫn đến hiệu quả còn hạn chế. Đơn cử, ngành nông nghiệp mở các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, Sở LĐ-TBXH cùng với trung tâm dạy nghề các huyện cũng mở các lớp về chăn nuôi, trồng trọt… và hai bên chưa có sự liên kết để cùng đào tạo nghề cho nông dân. Nói về vấn đề này, ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TBXH cho biết: “Sở đang thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trước đây, đề án này hầu hết do Sở làm, gần đây đã có sự liên kết với các sở, ngành khác”. Theo ông Trung, bắt đầu từ năm 2013, Sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn để đào tạo một số ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp, mời trực tiếp các kỹ sư nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm thực tế trong tỉnh tham gia giảng dạy. Ngoài ra, để thu hút đông đảo nông dân tham gia học nghề, những khu vực nông dân không có thời gian, các địa phương sẽ mở các lớp đào tạo thêm vào buổi tối.
Mới đây, trong buổi làm việc về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương nhấn mạnh: “Muốn công tác đào tạo nghề có hiệu quả, phải nắm rõ lực lượng lao động, diện tích và loại hình sản xuất tại địa phương, qua đó, chọn ra nghề thế mạnh để chuẩn bị giáo viên giảng dạy; nên ưu tiên cho các nghề phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn; trong quá trình dạy cần theo dõi sát những lao động học nghề, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho họ; đồng thời đào tạo nghề cho nông dân nên hướng dẫn trực tiếp hơn là dạy lý thuyết”.
Khánh Minh