Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao người dân không nhận sổ đỏ? (Bài 2)

09:08, 26/08/2012

Định Quán là địa phương có số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tồn đọng lớn nhất tỉnh. Tuy huyện đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh việc trả sổ cho dân, nhưng nhiều người vẫn không nhận.

 Định Quán: Dân “chê” sổ đỏ

Định Quán là địa phương có số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tồn đọng lớn nhất tỉnh. Tuy huyện đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh việc trả sổ cho dân, nhưng nhiều người vẫn không nhận.

Mới nghe thật vô lý, vì “chê” sổ đỏ chẳng khác nào từ chối mảnh đất đang sinh sống thuộc sở hữu của mình được pháp luật công nhận. Thế nhưng, ở Định Quán có gần 15 ngàn sổ đỏ tồn đọng vì người dân “chê”.

* Tồn vì tiền thuế

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Định Quán, các xã có lượng sổ còn tồn nhiều là: Suối Nho, Phú Túc, Túc Trưng, Gia Canh và Ngọc Định. Nguyên nhân chính của việc tồn sổ đỏ là do người dân không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Theo quy định, đất sử dụng sau ngày 15-10-1993 phải nộp thuế sử dụng đất. Với những trường hợp không kê khai hoặc kê khai thiếu diện tích sẽ bị truy thu thêm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Do vậy, để nhận được sổ đỏ, có những hộ phải đóng thuế từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Với nông dân ở vùng sâu, vùng xa đó là số tiền lớn, vượt ngoài khả năng. Ngoài ra, nhiều trường hợp người dân kê khai không chính xác thời gian sử dụng đất, khi phải nộp thuế cao cũng không nhận sổ.

Sổ đỏ còn tồn tại UBND xã Gia Canh lên đến gần 1.400 sổ. Ảnh: H.Giang
Sổ đỏ còn tồn tại UBND xã Gia Canh lên đến gần 1.400 sổ. Ảnh: H.Giang

Chị Nguyễn Thị Thủy ở ấp 4, xã Gia Canh, nói: “Đất của gia đình tôi được Nông trường Cao Cang cấp năm 1994, đến năm 2006 tôi đăng ký xin cấp sổ đỏ và 2 năm sau thì có sổ. Nhưng thấy báo phải đóng thuế 20 triệu đồng, vì không có tiền nộp thuế nên tôi chưa nhận sổ. Vừa qua, tôi tích lũy được số tiền trên tính đi nhận sổ đỏ về cho yên tâm thì mới hay số tiền thuế phải đóng hiện đã lên đến trên 50 triệu đồng! Với số tiền lớn như vậy tôi phải bỏ sổ lại”.[links(right)]

Ông Thái Đình Trung ở ấp 5, xã Gia Canh, bức xúc: “Cả đời làm nông chỉ quanh quẩn trong rẫy, tôi biết chữ rất ít nên khi làm hồ sơ xin cấp sổ đỏ phải nhờ người kê khai hộ. Đến khi có sổ đỏ nghe nói phải đóng thuế 30 triệu đồng, hỏi ra mới biết đất mình khai hoang từ năm 1990, nhưng do nhờ kê khai họ ghi sử dụng từ năm 1994 nên phải nộp thuế. Tôi thấy như vậy thiệt thòi nên không nhận sổ. Mới đây xã mời ra lấy sổ và nói số tiền phải nộp lên đến 136 triệu đồng. Rõ là thiệt mà không biết kêu đâu!”.

Theo anh Đặng Quang Hùng, cán bộ địa chính - xây dựng xã Gia Canh, trước đây khi kê khai nguồn gốc, diện tích đất của các hộ, xã đã niêm yết danh sách tại các ấp cho người dân biết, có sai sót thì kiến nghị để điều chỉnh nhưng hầu hết không ai quan tâm chú ý, chỉ khi nhận được thông báo phải đóng thuế nhiều mọi người mới thắc mắc và không chịu nhận sổ. Hiện sổ đỏ còn tồn tại xã Gia Canh gần 1.400 giấy.

* Để càng lâu thuế càng cao

Chị Phan Thị Hiền, chuyên viên đất đai thuộc Phòng Tài nguyên - môi trường Định Quán, cho hay: “Thuế đất được điều chỉnh theo giá đất hàng năm, do đó người dân để sổ đỏ càng lâu thì thuế phải đóng càng cao. Vì thuế đất được tính theo giá đất tại thời điểm nhận sổ”.

Đơn cử như trường hợp đất của chị Thủy ở ấp 4 xã Gia Canh, nếu nhận sổ trong vòng 5 năm tính từ khi đăng ký cấp sổ, thuế đất giữ nguyên 20 triệu đồng. Quá 5 năm mới nhận sổ đỏ, tiền thuế của chị Thủy sẽ tính theo giá đất hiện tại lên đến hơn 50 triệu đồng. Nếu chị Thủy không nhận sổ đỏ năm nay để qua năm, giá đất được điều chỉnh tăng thì tiền thuế phải đóng để lấy sổ đỏ tiếp tục tăng.

Đối với các hộ không đủ tiền làm nghĩa vụ tài chính để nhận sổ đỏ, Nhà nước có chính sách cho ghi nợ để nhận sổ. Tuy nhiên, sổ đỏ nhận về sẽ được ghi rõ số nợ nên các hộ dân muốn thế chấp sổ đỏ vay vốn của ngân hàng sẽ khó khăn. Tiền thuế sẽ được tính tại thời điểm ghi nợ và giữ nguyên trong vòng 5 năm. Nhưng nợ quá 5 năm, thuế sẽ được tính theo giá đất tại thời điểm trả.

 Ông Nguyễn Vũ Tưởng, Trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường Định Quán, cho biết: “Để đẩy nhanh tiến độ trả sổ đỏ tồn cho các hộ dân, huyện đã xác nhận trước mức nghĩa vụ tài chính phải nộp với từng sổ đỏ và chuyển hết về các xã. Do đó, người dân sẽ biết trước số tiền mình phải nộp khi lấy sổ đỏ, để chuẩn bị. Bên cạnh đó, huyện yêu cầu các xã cho phân loại sổ đỏ những sổ sai sót sẽ cho thu hồi”. Sau hơn nửa năm thực hiện các biện pháp này, lượng sổ đỏ tồn ở Định Quán trả được cho dân gần 3 ngàn giấy.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều