Định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong những năm tới của Đồng Nai cũng như cả nước là ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao. Luật Công nghệ cao cũng đã có hiệu lực từ năm 2008 nhưng do nhiều điều kiện quá khắt khe nên khó doanh nghiệp (DN) nào đạt được.
Định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong những năm tới của Đồng Nai cũng như cả nước là ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao. Luật Công nghệ cao cũng đã có hiệu lực từ năm 2008 nhưng do nhiều điều kiện quá khắt khe nên khó doanh nghiệp (DN) nào đạt được.
Câu chuyện của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam (KCN Long Thành) “gõ cửa” khắp nơi để kiến nghị xem xét được ưu đãi đầu tư cho dự án công nghệ cao của mình tại Khu công nghiệp (KCN) Long Thành được xem như là một điển hình cho việc DN khó lòng đáp ứng được một số các điều kiện khó khăn để được ưu đãi đầu tư.
* Nhiều điều kiện khắt khe
Là DN 100% vốn từ CHLB Đức, hiện Công ty Robert Bosch đã đầu tư 100 triệu USD ở Đồng Nai, chuyên sản xuất dây truyền lực trong hộp số tự động cung cấp cho các nhà sản xuất xe ô tô và phục vụ xuất khẩu. Hiện tại, Robert Bosch đang “vướng” vào quy định dự án đầu tư phải gắn với DN thành lập mới, trong khi Robert Bosch vẫn sử dụng pháp nhân có sẵn để đầu tư và xem như là dự án mở rộng.
Dây chuyền sản xuất của Robert Bosch. Ảnh: Thu Trang |
Tổng giám đốc Robert Bosch Vũ Quang Huệ đã nhiều lần kiến nghị lên UBND tỉnh, và mới đây là kiến nghị riêng với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh trong chuyến ông về thăm và làm việc tại Đồng Nai vào trung tuần tháng 7 vừa qua. Theo đó, nếu được xem xét ưu đãi, Robert Bosch sẽ mở rộng công suất lên thêm 320 triệu USD, tăng tỷ lệ nội địa hóa lên khoảng 70-90% vào năm 2015, trong đó giá trị xuất khẩu dự kiến cũng sẽ đạt khoảng 400 triệu USD.
Trước mắt, UBND tỉnh đã kiến nghị lên Bộ Kế hoạch - đầu tư và Chính phủ xem xét ưu đãi cho Robert Bosch, còn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng Bosch có đủ cơ sở để xin xem xét ưu đãi, song có được duyệt hay không, còn phải chờ quyết định của Chính phủ.
Từ kiến nghị của Robert Bosch và ý kiến đồng tình của Bộ lẫn địa phương cho thấy, dù luật đã có, song vẫn tồn tại những quy định có phần thiếu hợp lý khi chỉ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, còn các dự án mở rộng thì không, dẫn tới thực tế là nhiều dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực công nghệ cao lại không được hưởng ưu đãi, gây thiệt thòi cho DN và phần nào làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, đánh giá của Ban quản lý các KCN Đồng Nai (Diza) còn cho thấy, ngoài quy định thành lập DN mới, một trong những điều kiện mà DN ngán ngại khi muốn được công nhận là công nghệ cao còn ở quy định “tổng chi bình quân của DN trong 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hàng năm và từ năm thứ 4 trở đi phải đạt trên 1%”. Đối với nhiều DN, đây là con số không hề nhỏ, do đó, dù rất muốn được xếp vào diện ưu đãi nhưng cũng đành chịu.
* Chỉ 3 dự án được hưởng
Cho đến thời điểm này, theo Diza, trong số hơn 700 dự án FDI đang hoạt động trên địa bàn Đồng Nai mới chỉ có 3 dự án được hưởng các ưu đãi dành cho dự án công nghệ cao, một con số quá thấp.
Theo đó, các dự án hiện đang được hưởng các ưu đãi công nghệ cao là: Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (chuyên sản xuất, lắp ráp các loại bản mạch in điện tử); Công ty TNHH Mabuchi Việt Nam (chuyên sản xuất động cơ siêu nhỏ và thiết bị nghe nhìn) và Công ty TNHH Muto Việt Nam (chuyên sản xuất các loại khuôn chính xác, bản mạch điện tử). Cả 3 công ty này đều đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 2 (TP. Biên Hòa).
Theo quy định hiện tại, DN công nghệ cao được hưởng khá nhiều ưu đãi, trong đó đặc biệt nhất là ưu đãi về các loại thuế, như: thu nhập DN, xuất nhập khẩu, VAT… Do đó, không ít DN mong muốn được công nhận là dự án công nghệ cao để được ưu đãi và an tâm mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Lan, Phó ban quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Điều kiện để DN được công nhận là công nghệ cao khá khó khăn, trong đó có những điều kiện chưa phù hợp với thực tế, do đó một số DN dù xét về công nghệ sản xuất có thể xếp vào diện công nghệ cao, song vẫn chưa được công nhận và hưởng ưu đãi, hoặc bản thân DN chưa dám xin công nhận là DN công nghệ cao”.
Ông Chu Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty phát triển KCN Sonadezi cũng đánh giá, việc xem xét 1 DN có đạt các tiêu chuẩn công nghệ cao hay không hiện quá khó khăn, gây khó cho việc thu hút đầu tư FDI theo định hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao hiện nay của tỉnh. “Một số dự án trong các KCN của Sonadezi có thể xem xét để được hưởng ưu đãi, ngoài Robert Bosch còn có Olympus (KCN Long Thành) hay Artus (KCN Biên Hòa 2) đều sản xuất những sản phẩm có hàm lượng chất xám rất cao, như: thấu kính nội soi, motor siêu nhỏ… Song vì nhiều lý do, đến nay những DN đó vẫn được xem như DN sản xuất bình thường” - ông Sơn nói.
Vi Lâm