Hiện các nhà sách, siêu thị đang thu hút khá đông khách đến mua sắm khi thời điểm khai giảng gần kề. Tuy nhiên, theo nhận định chung của giới bán hàng, sức mua của thị trường đồ dùng học sinh vẫn giảm so với mọi năm.
Hiện các nhà sách, siêu thị đang thu hút khá đông khách đến mua sắm khi thời điểm khai giảng gần kề. Tuy nhiên, theo nhận định chung của giới bán hàng, sức mua của thị trường đồ dùng học sinh vẫn giảm so với mọi năm.
Năm nay, hàng hóa dồi dào, các chủng loại mặt hàng khá đa dạng, giá cả tương đối ổn định. Trong đó, nhiều mặt hàng được giảm giá, từ sách giáo khoa (SGK), tập vở đến đồng phục học sinh.
* Triển khai sớm hàng bình ổn giá
Ông Ngô Phước Đức, Giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Đồng Nai cho biết, năm nay, đơn vị chủ động triển khai sớm chương trình bình ổn giá với hơn 4 triệu bản SGK được phát hành, rẻ hơn 10% so với giá bìa. Mục tiêu của chương trình hướng đến đối tượng con em nông dân, người lao động, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, SGK bình ổn không chỉ có mặt tại các cửa hàng, nhà sách lớn của TP.Biên Hòa và các trung tâm của huyện, thị mà được phát hành qua hệ thống thư viện trường học trên địa bàn tỉnh.
Thị trường đồ dùng học sinh hàng Việt chiếm ưu thế. Ảnh: B. Nguyên |
Nét mới của thị trường năm nay là có thêm nhiều mặt hàng bình ổn giá, như: sách tham khảo, tập vở, cặp sách… được bán với giá rẻ hơn từ 5-15%. Tham gia bình ổn giá đều là các thương hiệu Việt uy tín, như: cặp sách Mr Vui, Miti, Hami, tập vở Vĩnh Tiến, tập vở, bìa bao, giấy vẽ của Fahasa… Đây là nỗ lực của doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa trong giai đoạn khó khăn chung về thị trường.
Bà Trần Thị Nở, cửa hàng trưởng cửa hàng sách Fahasa tại TP. Biên Hòa chia sẻ, tuy thời điểm này sức mua tại đây giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tính chung cả mùa thì vẫn khả quan. Các mặt hàng bình ổn giá và có khuyến mãi được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Các siêu thị, như: Co.opMart, BigC… cũng thu hút khá đông khách nhờ khuyến mãi lớn cho nhiều mặt hàng phục vụ năm học mới.
Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường đồ dùng học sinh tại các chợ truyền thống khá vắng vẻ. Đối tượng khách hàng vào chợ chủ yếu là người lao động nên họ cân nhắc kỹ hơn và thường chỉ chọn những mặt hàng “không thể không mua”. Trong đó, khách đến mua đồng phục học sinh, giày dép giảm hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.
* Hàng Việt chiếm ưu thế
Thị trường đồ dùng học sinh từ đồng phục, giày dép đến tập vở, ba lô, cặp sách đều là hàng Việt. Hàng ngoại, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc chỉ xuất hiện ở một số loại văn phòng phẩm và chiếm tỷ lệ không nhiều trên kệ hàng của các nhà sách, siêu thị. Các mặt hàng tập vở, bút viết, dụng cụ học sinh… đều có những thương hiệu Việt vượt trội so với hàng ngoại.
“Năm nay, nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất đẹp và đa dạng về mẫu mã. Về mặt giá thành đáp ứng cả ở phân khúc bình dân lẫn cao cấp. Cụ thể như mặt hàng cặp sách, ba lô, từ loại chỉ vài chục ngàn đồng đến hai ba trăm, nửa triệu đồng/sản phẩm” - bà Trần Thị Nở nói.
Chị Phùng Thị Thanh Thúy, tiểu thương bán giày dép tại chợ Tân Hiệp, TP.Biên Hòa nhận xét, tỷ lệ giày dép nội giờ chiếm đa số, hàng Trung Quốc chỉ có ở dòng sản phẩm thời trang mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Thời gian trước, giày dép vào chợ chủ yếu do những cơ sở nhỏ lẻ gia công và thường không có nhãn hàng riêng. Hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã đăng ký nhãn hàng cho sản phẩm của mình, trong đó có nhiều thương hiệu đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nhờ chất lượng tốt với giá thành hợp lý.
Bình Nguyên
X