Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý vận tải buýt: Nhiều bất cập

09:08, 06/08/2012

Trên mỗi xe buýt đều có số điện thoại đường dây nóng để hành khách gọi điện phản ánh khi phát hiện những vi phạm xảy ra. Nhưng việc quản lý và xử lý vi phạm trong vận tải buýt hiện vẫn là vấn đề nan giải với cả đơn vị kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước.

Trên mỗi xe buýt đều có số điện thoại đường dây nóng để hành khách gọi điện phản ánh khi phát hiện những vi phạm xảy ra. Nhưng việc quản lý và xử lý vi phạm trong vận tải buýt hiện vẫn là vấn đề nan giải với cả đơn vị kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước.

Bà Thái Thị Ty, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh có trên 2 ngàn trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải xe buýt bị xử lý hành chính, nhưng con số này vẫn cách khá xa so với thực tế.

* Quản lý kém

“Trong 25 đơn vị vận tải xe buýt đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp (DN), số còn lại là các hợp tác xã (HTX). Năng lực tổ chức điều hành, quản lý của ban quản lý nhiều hợp tác xã còn yếu, thiếu về trình độ chuyên môn” - bà Ty nói. Theo bà Ty, vai trò quản lý của một số HTX rất mờ nhạt, việc không kiểm soát được hoạt động của xã viên là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng lộn xộn, dịch vụ kém chất lượng của hoạt động xe buýt hiện nay.

Chất lượng dịch vụ xe buýt khó cải thiện do quản lý kém. Ảnh: B. Nguyên
Chất lượng dịch vụ xe buýt khó cải thiện do quản lý kém. Ảnh: B. Nguyên

Ông Nguyễn Đức Học, Chủ nhiệm HTX dịch vụ vận tải Tân Phú thừa nhận, sự mất đoàn kết, thiếu thống nhất giữa Ban chủ nhiệm và các xã viên đang gây nhiều khó khăn trong công tác điều hành, cải thiện chất lượng tuyến xe buýt số 16 (Phương Lâm - Biên Hòa) suốt nhiều năm qua. Từ năm 2009, Sở Giao thông - vận tải tỉnh đã có văn bản yêu cầu HTX dịch vụ vận tải Tân Phú phải tăng thêm xe để phục vụ tốt hơn khi lượng khách ngày càng đông. Nhưng đến nay, tình trạng quá tải, dồn ép khách trên tuyến buýt này chưa được cải thiện do Ban chủ nhiệm và xã viên không tìm được tiếng nói chung, phía xã viên phản đối việc tăng xe vì e ngại ảnh hưởng đến doanh thu. Do thiếu lượng xe dự phòng, không có thời gian bảo trì nên hiện nhiều xe đã xuống cấp và thường xảy ra tình trạng xe bỏ tuyến khi xã viên cần mang đi sửa chữa. Ông Học tính toán: “Trung bình mỗi tháng có khoảng 200 trường hợp vi phạm xe bỏ tuyến nhưng hầu như đơn vị không xử phạt được. Với những vi phạm khác, vì nhiều nguyên nhân, HTX cũng bất lực trong xử lý. Hiện HTX 3 tháng mới họp mặt xã viên một lần nên liên kết nội bộ ngày càng lỏng lẻo”.

* Thiếu chế tài xử lý

Hiện tại, một số tuyến buýt trên địa bàn Đồng Nai tồn tại song song xe buýt thật và xe buýt giả (xe dù giả xe buýt). Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ người của xe buýt giả dùng hung khí đuổi đánh, gây thương tích cho tài xế và nhân viên của xe buýt thật do tranh giành đón khách. Ngoài ra, xe buýt giả chạy vượt rào, lấn tuyến để tranh thủ “hớt” khách không khác gì “hung thần” đường phố, gây mất an toàn. Tuy nhiên, ngay cả khi “bắt tận tay”, vẫn có nhiều khó khăn trong việc xử lý xe buýt giả.

Hầu hết các HTX và DN kinh doanh vận tải buýt tại Đồng Nai đều có bộ phận phụ trách công tác kiểm tra, kiểm soát những vi phạm của hoạt động xe buýt nhưng trên thực tế, việc này hầu như được “giao phó” hoàn toàn cho Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng. Việc phát hiện, xử phạt vi phạm càng không dễ dàng vì lực lượng cán bộ của cơ quan này có hạn. Khách đi xe thường phản ánh tình hình vi phạm về trung tâm qua số điện thoại đường dây nóng, nhưng thông tin này thường không đủ cơ sở để xử phạt vì rất ít người chịu bỏ công kiến nghị bằng văn bản.

Bà Thái Thị Ty nhận xét: “Những bất cập trong quản lý nhà nước cũng là nguyên nhân khiến nạn xe buýt giả vẫn lộng hành. Do chưa có quy định nào cấm các xe khách sử dụng cùng màu sơn xe, đồng phục nhân viên… như của xe buýt nên rất khó xử phạt”. Mặt khác, đối tượng vi phạm thường là những tuyến xe khách cố định thuộc tỉnh, thành khác “đóng giả” xe buýt khi qua địa bàn Đồng Nai, do đó càng nan giải trong quản lý cũng như xử lý vi phạm.

Ông Cao Văn Xuân, Chủ nhiệm HTX du lịch vận tải Đồng Tiến bức xúc: “Hiện trên quốc lộ 51, thường một xe buýt thật có một xe giả đi kèm. Vào các giờ cao điểm, khách đông thì có đến hai, ba xe buýt giả tăng cường, chèn ép để giành khách”. Do không phải tuân theo quy định lịch trình, xe buýt giả thường vượt trước để tranh giành khách. Những chuyến nào ít khách, xe buýt giả thường dừng lại “sang khách” cho xe khác để quay lại đón lượt mới. Các đối tượng này “ngụy trang” màu sơn xe, số tuyến, đồng phục nhân viên… không khác gì xe buýt thật nên khách đi đường rất khó phân biệt. HTX Đồng Tiến thường xuyên nhận được phản ánh của khách về tình trạng giá vé cao gấp nhiều lần giá quy định, khách có ý kiến thì bị hù dọa bởi thái độ hung hăng, bất lịch sự từ nhà xe khi lên nhầm xe buýt giả. “Khi việc xử lý những vi phạm của đối tượng này chỉ tập trung vào các đợt ra quân của các cơ quan chức năng mà chưa trị được tận gốc vấn đề, nạn xe buýt giả với những hệ lụy vẫn là “chuyện dài nhiều tập” - ông Xuân nói.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều