Báo Đồng Nai điện tử
En

Người nuôi sẽ bỏ chuồng vì giá gà xuống thấp!

10:08, 05/08/2012

Dạo một vòng quanh các chợ trên địa bàn huyện Thống Nhất, không khí buôn bán kém nhộn nhịp dù mới chỉ 7-8 giờ sáng. Thịt heo, gà đều có giá khá mềm, 1kg thịt gà làm sẵn được tiểu thương chào giá chỉ 35 ngàn đồng, song cũng không mấy người ghé mua. Tiểu thương buôn bán ế ẩm nhưng người thua lỗ nặng trước tình trạng gà rớt giá mạnh trong 1 tháng nay không ai khác chính là người chăn nuôi.

Dạo một vòng quanh các chợ trên địa bàn huyện Thống Nhất, không khí buôn bán kém nhộn nhịp dù mới chỉ 7-8 giờ sáng. Thịt heo, gà đều có giá khá mềm, 1kg thịt gà làm sẵn được tiểu thương chào giá chỉ 35 ngàn đồng, song cũng không mấy người ghé mua. Tiểu thương buôn bán ế ẩm nhưng người thua lỗ nặng trước tình trạng gà rớt giá mạnh trong 1 tháng nay không ai khác chính là người chăn nuôi.

Tháng trước, gà bán tại vườn ở huyện Thống Nhất còn có giá 34-36 ngàn đồng/kg, đến nay xuống chỉ còn 25-27 ngàn đồng/kg. Theo người chăn nuôi, với giá gà như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi con gà người chăn nuôi đang thua lỗ trên 10 ngàn đồng.

* Lỗ nặng

Lứa gà trước, anh Trần Đức Linh ở xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) thả nuôi 15 ngàn con gà. Thời điểm đó, giá gà đang ở mức 35-38 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư dù không có lời nhưng anh cũng tránh được cảnh thua lỗ. Do vậy, sau khi xuất gà bán, anh vẫn có vốn để tiếp tục nhập về nuôi 15 ngàn con gà giống với hy vọng giá sẽ tăng trở lại. Thế nhưng cả tháng nay, anh Linh cứ thấp thỏm vì giá gà cứ rớt theo từng ngày, đến thời điểm hiện nay, sau hơn 7 tuần thả nuôi, gà đã đến tuổi xuất bán nhưng giá chỉ còn 25-27 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 10 ngàn đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Trong khi đó, mỗi ngày đàn gà của anh tiêu tốn gần 10 triệu đồng tiền cám. Theo anh Linh thì, mỗi con gà từ khi nuôi đến khi xuất bán nặng khoảng 1,5kg, với giá như hiện nay anh chỉ thu về chưa tới 40 ngàn đồng/con, trong khi chi phí thức ăn, tiền giống và vaccin đã hơn 53 ngàn đồng/con. Tính ra, anh sẽ lỗ khoảng 200 triệu đồng cho đàn gà 15 ngàn con này.

Chăn nuôi thua lỗ nặng, người nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng trước tiên. Trong ảnh: Nuôi gà Tam Hoàng ở xã Phú Hòa, huyện Định Quán. Ảnh: V.NAM
Chăn nuôi thua lỗ nặng, người nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng trước tiên. Trong ảnh: Nuôi gà Tam Hoàng ở xã Phú Hòa, huyện Định Quán. Ảnh: V.NAM

“Lứa trước thì hòa vốn, hy vọng vào đợt nuôi này sẽ có lời, nhưng nào ngờ thua lỗ nặng. Giờ chúng tôi đang phải cho gà ăn bớt lại để nuôi cầm chừng chờ giá lên lại. Nhưng nếu giá cứ như vậy thì sau đợt xuất chuồng này tôi không dám nuôi nữa” - anh Linh lo lắng cho biết.

Còn anh Lã Phi Khanh ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) cũng đang trong cảnh dở khóc dở cười khi gà rớt giá mạnh. Năm 2010, anh đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi gà với quy mô 15 ngàn con. Sau vài lứa gà thua lỗ, đợt này anh vẫn quyết nhập thêm 10 ngàn con gà về nuôi, vì nghĩ rằng vận xui sẽ không đeo bám mãi! Tuy đã giảm 1/3 quy mô so với thiết kế ban đầu để tránh rủi ro, và giá gà giống thời điểm anh nhập nuôi chỉ khoảng 5 ngàn đồng/con, thế nhưng anh Khanh cho biết, với giá như hiện nay anh tiếp tục thua lỗ nặng.

Anh Khanh ngao ngán nói:  “Hiện nay giá gà trên thị trường còn khoảng 27 ngàn đồng/kg, chúng tôi thua lỗ rất nhiều, không biết sắp tới có dám nuôi nữa không? Hiện chuồng bị hư, tôi cũng không dám đầu tư sửa chữa”.

* Người nuôi sẽ bỏ chuồng?

Thống Nhất là huyện thuần nông có quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh. Theo lý giải của một số thương lái và người chăn nuôi gà thì, thời gian qua do chăn nuôi heo thua lỗ nên nhiều người chuyển sang nuôi gà làm cho tổng đàn gà tăng đột biến. Đồng thời, một lượng lớn thịt gia cầm được nhập khẩu về Việt Nam thời gian qua làm nguồn cung vượt cầu quá xa nên đẩy giá gà trong nước xuống thấp.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, ngoài các hộ chăn nuôi heo lao đao, thua lỗ do giá cả xuống thấp và dịch bệnh, đến nay lại đến các hộ nuôi gà phải chịu cảnh thua lỗ nặng. Nhiều người chăn nuôi ở huyện Thống Nhất đang tính đến chuyện bỏ chuồng để tìm hướng làm ăn mới an toàn, ít rủi ro hơn. Đây là tín hiệu dự báo nguy cơ thiếu nguồn cung ứng thực phẩm trong nước trong thời gian tới.

Một điều hết sức buồn là, trong khi người chăn nuôi điêu đứng vì thua lỗ, phải bỏ chuồng trại thì tình trạng nhập khẩu thịt và phụ phẩm gia cầm từ bên ngoài vào quá nhiều đã là cú “đánh bồi”  vào chăn nuôi trong nước. Nếu không có sự can thiệp kịp thời và tích cực hơn từ những cơ quan quản lý có trách nhiệm, thì việc cứu vãn ngành chăn nuôi trong nước rất khó khăn.

Hữu Thắng

 

Tin xem nhiều