Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao để dẹp giết mổ lậu?

08:08, 08/08/2012

Thông tư 14 ra ngày 29-3-2011 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định rõ, những cơ sở giết mổ nào không đảm bảo điều kiện sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Tuy vậy đến nay, Đồng Nai vẫn còn gần 450 cơ sở giết mổ không đảm bảo đang hoạt động.

 

Thông tư 14 ra ngày 29-3-2011 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định rõ, những cơ sở giết mổ nào không đảm bảo điều kiện sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Tuy vậy đến nay, Đồng Nai vẫn còn gần 450 cơ sở giết mổ không đảm bảo đang hoạt động.

Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh có 195 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đã được cấp phép. Trong số đó chỉ có 9 cơ sở được trang bị hệ thống dây chuyền giết mổ treo, đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y. Ngoài ra, còn khoảng 260 cơ sở giết mổ lậu đang lén lút hoạt động.

* Cơ sở giết mổ lậu vẫn “sống khỏe”

Hiện giết mổ theo hình thức thủ công chiếm trên 95%, trong khi giết mổ theo dây chuyền hợp vệ sinh chỉ chiếm gần 5%. Do đó, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở Đồng Nai đa phần chưa đạt điều kiện về vệ sinh thú y. Khi không đảm bảo vệ sinh, thịt heo dễ bị nhiễm vi sinh vật và hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để có nguồn thịt an toàn đưa ra thị trường, nhiều năm qua, tỉnh đã yêu cầu ngành thú y phối hợp với các huyện, TX. Long Khánh, TP. Biên Hòa đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ trái phép, đồng thời rút giấy phép các cơ sở giết mổ không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y. Nhưng đến nay, các địa phương đều chưa làm được.

Cơ sở giết mổ gà Bình Minh là một trong số ít điểm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Ảnh: H. Giang
Cơ sở giết mổ gà Bình Minh là một trong số ít điểm đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Ảnh: H. Giang

Ông Trần Sơn Kiêm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc, cho biết: “Xuân Lộc có 26 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được cấp phép đều không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh thú y. Nhưng muốn rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở này thì huyện phải xây dựng được các cơ sở giết mổ đạt chuẩn để buộc họ di dời vào đó. Nếu không, việc giết mổ càng khó kiểm soát hơn”.

Hầu hết các địa phương đều khẳng định, thời gian qua lực lượng liên ngành của địa phương tăng cường công tác kiểm tra giết mổ ở các phường, xã, thị trấn, nhưng tình trạng giết mổ lậu chỉ giảm chứ chưa chấm dứt. Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi nói: “Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ trái phép nhỏ lẻ với số lượng từ 1- 2 con/đêm. Tới đây, khi xây dựng được cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ làm mạnh tay trong việc dẹp hết các cơ sở giết mổ lậu, rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở không đảm bảo vệ sinh”.

Tương tự, ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định: “Gần 15 năm nay, vẫn chưa dẹp được giết mổ lậu là do chính quyền địa phương chưa mạnh tay trong công tác xử lý. Một mặt cần “dọn dẹp” các lò mổ lậu và rút giấy phép, mặt khác kiểm tra chặt tại các chợ, nhằm tịch thu và tiêu hủy thịt không có dấu kiểm dịch”.

* Quyết liệt để có thịt sạch

Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo nuôi theo hình thức trang trại lớn nhất cả nước. Ngoài cung ứng thịt trên địa bàn, Đồng Nai còn cung cấp khoảng 50% lượng thịt heo cho TP. Hồ Chí Minh. Để thịt heo Đồng Nai đứng vững trên thị trường, đòi hỏi từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến vận chuyển, buôn bán thịt phải đảm bảo vệ sinh. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Để có nguồn thịt sạch cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, các địa phương phải quản lý tốt từ khâu chăn nuôi, giết mổ và buôn bán thịt. Tất cả các chính sách thực hiện phải đồng bộ, cương quyết dẹp bỏ giết mổ lậu, tiến tới quản lý truy nguồn gốc của thịt heo. Công việc này dù khó khăn cũng phải làm bằng được”.

Một lò giết mổ gà ở phường Hố Nai (TP. Biên Hòa) được cấp phép kinh doanh nhưng không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Ảnh: H. Giang
Một lò giết mổ gà ở phường Hố Nai (TP. Biên Hòa) được cấp phép kinh doanh nhưng không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Ảnh: H. Giang

Hiện nay, Đồng Nai đang tiến hành quy hoạch trên 30 cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại TP. Biên Hòa và TX. Long Khánh, đến năm 2015 sẽ di dời toàn bộ cơ sở giết mổ trong khu dân cư ra ngoại thành và chấm dứt hoạt động các cơ sở không đạt yêu cầu. Ở các huyện, sẽ cho phép cải tạo một số cơ sở  giết mổ có công suất nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nói: “Tỉnh đang tận dụng nguồn vốn của Dự án Lifsap để hỗ trợ người dân xây dựng các điểm giết mổ, khu thực phẩm tươi sống ở các chợ đạt tiêu chuẩn về vệ sinh thú y. Khi đã xây dựng xong, thịt ra chợ phải công bố rộng rãi đâu là thịt sạch để người tiêu dùng lựa chọn”. Dự tính của Đồng Nai là đến năm 2015, thịt heo ra chợ đa số là thịt sạch và cơ bản “dọn dẹp” xong các lò giết mổ lậu.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều