Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều chủ doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “mất tích” gần 10 năm nay nhưng cơ quan quản lý không sao làm thủ tục để xóa tên DN, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Chủ DN ra đi để lại khoản nợ gây khó khăn cho ngân hàng và các đối tác.
Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều chủ doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “mất tích” gần 10 năm nay nhưng cơ quan quản lý không sao làm thủ tục để xóa tên DN, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Chủ DN ra đi để lại khoản nợ gây khó khăn cho ngân hàng và các đối tác.
6 tháng đầu năm nay, Đồng Nai đã có thêm 3 ông chủ DN vốn FDI ở các khu công nghiệp (KCN) Long Thành, Nhơn Trạch và Biên Hòa 2 ra đi… không hẹn ngày về! Ban Quản lý các KCN Đồng Nai rối như tơ vò vì không sao liên lạc được, đành đưa vào danh sách DN vắng chủ chờ xử lý.
* Doanh nghiệp “chết” không “chôn” được
Tính đến nay, toàn tỉnh có 42 DN vốn FDI vắng chủ. DN có chủ vắng lâu nhất từ năm 2004 là Công ty Olldo Việt Nam ở KCN Nhơn Trạch II và Công ty TNHH xây dựng Koravina ở KCN Sông Mây. Những dự án vắng chủ, tài sản của DN đã được thế chấp khi ông chủ bỏ của chạy lấy người, cơ quan chức năng không liên lạc được đã làm phát sinh những rắc rối, như: chủ nợ khởi kiện ra tòa án, cơ quan thi hành án thực hiện đấu giá tài sản để đảm bảo thi hành án thì gặp trở ngại là pháp nhân của DN chưa được xử lý, người trúng đấu giá tài sản không thực hiện được thủ tục xác nhận tài sản trên đất và đăng ký đầu tư tại vị trí của DN vắng chủ. Điển hình như năm 2009, Công ty TNHH sản xuất Đông Nam ở KCN Biên Hòa 2 ngưng hoạt động đã chuyển nhượng toàn bộ nhà xưởng cho Công ty Vĩnh Phú. Thủ tục chưa làm xong thì chủ DN về nước và mất liên lạc. Sau một thời gian, Công ty Vĩnh Phú bán lại nhà xưởng mua từ Công ty Đông Nam cho Công ty TNHH xây dựng nội thất số 7 nhưng giao dịch không thành, do Công ty Đông Nam chưa hoàn thành thủ tục với Công ty Vĩnh Phú, vì vậy không đủ điều kiện để chuyển nhượng lại cho Công ty Xây dựng nội thất số 7.
Ông chủ của Công ty TNHH Green Chemical ở Khu công nghiệp Loteco (TP. Biên Hòa) đã “bỏ của chạy lấy người” từ năm 2010 nhưng doanh nghiệp đến nay chưa bị xử lý. Ảnh: V. Nam |
Ngoài ra, khi bỏ về nước, Giám đốc Công ty Đông Nam còn để lại khoản nợ thuế và bảo hiểm xã hội trên 300 triệu đồng và nợ của Tổng công ty phát triển KCN trên 155 ngàn USD nên cũng không thể xóa tên DN để cấp giấy phép đầu tư cho chủ đầu tư mới vào vị trí này.
Tình trạng DN “chết” mà không “chôn” được như Công ty Đông Nam không những làm thiệt hại đến kinh tế cho các DN liên quan mà còn gây lãng phí diện tích đất ở các KCN.
* Còn chờ nghị định hướng dẫn
Các dự án ngưng hoạt động do chủ DN bỏ về nước như trên đang là vướng mắc do hiện nay Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng như các văn bản nhà nước hiện hành không có quy định xử lý đối với pháp nhân này. Kể từ năm 2008 đến nay, Ban Quản lý các KCN đã 6 lần kiến nghị với Bộ Kế hoạch - đầu tư, UBND tỉnh cũng có văn bản gửi Bộ sớm có hướng dẫn xử lý vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trả lời kiến nghị, Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu để đưa vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư áp dụng chung cho cả nước. Đến nay Nghị định 108/2006/NĐ-CP (NĐ 108) sửa đổi, bổ sung vẫn đang còn là dự thảo chưa được ban hành.
Bà Nguyễn Phương Lan, Phó trưởng ban Quản lý các KCN, cho rằng, NĐ 108 sửa đổi sẽ được ban hành mới có khung pháp lý để xử lý những DN vắng chủ, còn hiện nay Ban Quản lý các KCN cùng với cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng chỉ biết ráng chờ.
Khắc Giới