Báo Đồng Nai điện tử
En

Huy động vốn: Vào cuộc “đua” lãi suất

08:08, 12/08/2012

Các kênh đầu tư quen thuộc như vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ cho đến nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc, do đó gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam vẫn đang là kênh hút vốn mạnh nhất. Nhiều ngân hàng (NH) đang tích cực tăng lãi suất (LS) nhằm thu hút tiền nhàn rỗi.

Các kênh đầu tư quen thuộc như vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ cho đến nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc, do đó gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam vẫn đang là kênh hút vốn mạnh nhất. Nhiều ngân hàng (NH) đang tích cực tăng lãi suất (LS) nhằm thu hút tiền nhàn rỗi.

Thừa nhận ở thời điểm này vẫn có áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn của năm 2012, song nhiều giám đốc chi nhánh ngân hàng (NH) ở Đồng Nai đánh giá, huy động vốn hiện không quá căng thẳng như những năm trước.

* Nhiều ngân hàng tăng lãi suất

Tuy vậy, cuộc đua LS vẫn không hề giảm nhiệt khi hàng loạt NH công bố tăng LS ở các kỳ hạn trên 12 tháng - vốn đang được NHNN thả nổi. Rất nhiều NH đã đẩy LS kỳ hạn dài thêm 1-2% so với trước, phổ biến ở mức 10,5-12%/năm. Cụ thể, ngay từ đầu tháng 8, các NH lớn như BIDV và Vietcombank đã tăng LS cho các kỳ hạn dài. Theo đó, tại BIDV, LS các kỳ hạn trên 12 tháng tăng lên đến 12%/năm, cao hơn 2%/năm so với 2 tháng trước đó. Vietcombank cũng nâng LS huy động các kỳ hạn trên 12 tháng lên thêm 0,5% so với biểu lãi suất cũ. Từ đầu tháng 8, Vietcombank áp mức LS huy động các kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng là 10%/năm. Agribank cũng thông báo huy động kỳ hạn 24 tháng là 12%/năm và từ 12 – 18 tháng là 11,5%/năm. NH Á Châu (ACB) hiện đang áp mức LS 11% cho các kỳ hạn 12 tháng (nhận lãi cuối kỳ); 11,5%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 12%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng.

Nhiều ngân hàng đang tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: V. LÂM
Nhiều ngân hàng đang tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: V. LÂM

Các NH quy mô nhỏ hơn cũng đã và đang điều chỉnh tăng LS huy động kỳ hạn dài, đi kèm với nhiều chương trình khuyến mãi trúng thưởng. NH Bưu điện Liên Việt (Lienviet PostBank) huy động 12%/năm với các khoản tiền gửi trên 3 năm, 11,5%/năm đối với 18 tháng trở lên và trên 12 tháng là 11%/năm. NH Nam Việt (Navibank) thậm chí còn áp mức LS khá cao đối với các món tiền gửi nhỏ. Theo đó, chỉ với số tiền gửi từ 2-20 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 12%/năm nếu gửi kỳ hạn trên 12 tháng cho cả hình thức lĩnh lãi cuối kỳ lẫn nhận lãi hàng tháng. Tại NH thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), với kỳ hạn tiết kiệm từ 12-24 tháng, LS được nâng lên 12%/năm. Đồng thời, SCB đưa ra các chương trình ưu đãi như “tài khoản thanh toán đa lợi”, “đầu tư linh hoạt”; miễn/giảm phí hơn 10 dịch vụ; vay cầm cố hợp đồng tiền gửi với lãi suất chỉ cao hơn 1%năm so với lãi suất tiền gửi thực hưởng khi có nhu cầu vay…

* Không căng thẳng, vẫn “vượt rào”

Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank Đồng Nai nhận xét, hiện tại, áp lực huy động vốn nhìn chung không cao so với mọi năm, tuy nhiên, NH nào cũng muốn huy động nhiều, mặt khác tăng LS là để giữ khách hàng. Lãnh đạo Eximbank Đồng Nai cũng cho rằng, thời điểm này huy động vốn tuy vẫn khó, song không quá căng thẳng, tình trạng các NH “dòm ngó” và kéo khách của nhau diễn ra “âm thầm” hơn, song nhiều NH vẫn phải tăng LS để đồng vốn không “chạy” đi nơi khác, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu hội sở giao cho năm 2012.

Cho vay vẫn khó

Thời điểm hiện tại, dù LS vay đã giảm mạnh so với trước, song nhiều NH nhận định, việc đẩy mạnh cho vay để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 vẫn rất khó khăn. Tại các NH lớn, LS vay ngắn hạn hầu hết đều đã giảm xuống dưới 15%, vay ngắn hạn tại các NH nhỏ cũng dao động từ 15-17%/ năm, giảm 3-4%/năm so với trước. Tuy nhiên, nhu cầu vay vẫn không cao. Theo đó, một số NH cho biết, đã qua tháng 8, song chỉ tiêu cho vay mới chỉ đạt 50-60%, trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vẫn chưa khả quan, tại nhiều DN, hàng tồn kho cao, bán chậm nên nhu cầu vay vốn ít. Kết thúc 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Đồng Nai mới chỉ đạt 7,19% so với đầu năm, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng trưởng tín dụng trên địa bàn năm 2012 sẽ đạt 20 - 22%.

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế cho thấy, nhiều NH vẫn đang áp dụng mức LS vượt trần cho phép của NHNN cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tại một NH quy mô nhỏ có chi nhánh trên đường Nguyễn Ái Quốc, nhân viên cho biết, với số tiền từ 200 triệu đồng trở lên, khách hàng vẫn được trả 11%/năm cho kỳ hạn 3-6 tháng dưới hình thức tiền mặt vào cuối kỳ, dù hợp đồng vẫn tuân thủ trần LS 9%/năm của NHNN. Tương tự, nhiều NH khác hiện sẵn sàng trả mức 11-12%/năm cho các kỳ hạn từ 1-6 tháng, cá biệt có NH trả đến 13%/năm bằng nhiều hình thức lách trần nhằm thu hút các khoản tiền gửi lớn. Nhiều NH đang áp dụng hình thức phân bổ chỉ tiêu huy động đến từng nhân viên, với cơ chế “thoáng” để nhân viên “chèo kéo” khách. Nhân viên một NH có chi nhánh trên đường Phạm Văn Thuận cho biết, mỗi nhân viên của NH này đều bị giao chỉ tiêu huy động lẫn cho vay khoảng 2 tỷ đồng/tháng. Trong bối cảnh khó cho vay như hiện tại, nhân viên chỉ còn cách xoay xở huy động vốn, và mức LS mà NH này linh động trả cho khách gửi ngắn hạn có thể lên đến 12,5%/năm với các món gửi lớn.

Giám đốc một chi nhánh NH TMCP trụ sở trên đường 30-4 nhận xét, sở dĩ nhiều NH, đặc biệt là NH nhỏ vẫn huy động vượt trần là do phải chuẩn bị cho áp lực thanh khoản cuối năm, mặt khác, phải “chạy” cho đủ chỉ tiêu huy động vốn năm 2012. “Nếu không linh hoạt trả LS cao, làm sao NH nhỏ cạnh tranh nổi với các NH lớn? Tại nhiều chi nhánh, sử dụng vốn của hội sở để cho vay phải chịu LS cao hơn so với vốn huy động tại chỗ, do đó nhiều NH nhỏ phải huy động cho bằng được để giữ lợi nhuận” - giám đốc NH này nói.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều