Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đến sản xuất hồ tiêu sạch

09:08, 03/08/2012

Đồng Nai là một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng hạt tiêu. Thế nhưng đến nay, tỉnh vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất tiêu sạch.

Đồng Nai là một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng hạt tiêu. Thế nhưng đến nay, tỉnh vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất tiêu sạch.

Toàn tỉnh có gần 8 ngàn hécta tiêu, trong đó hơn 6.250 hécta đang cho thu hoạch. Cây tiêu được trồng nhiều ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú và Trảng Bom. Tuy ở một số địa phương đã nhen nhóm hình thành các vùng chuyên canh cây tiêu, nhưng mỗi hộ vẫn áp dụng một cách sản xuất khác nhau.

* Mỗi người một quy trình

Năm 2011, tổng sản lượng hồ tiêu của Đồng Nai trên 13.300 tấn, năng suất bình quân 2,1 tấn/hécta/năm. Giống tiêu được trồng nhiều ở Đồng Nai là tiêu sẻ và tiêu Vĩnh Linh. Diện tích cây tiêu nhiều, nhưng mỗi hộ sản xuất theo một quy trình nên năng suất và chất lượng khác nhau. Một số nhà vườn đẩy năng suất lên 5-8 tấn/hécta/năm, thu lợi nhuận 300-500 triệu đồng/hécta/năm, nhưng cũng có hộ năng suất chỉ đạt trên 1 tấn/hécta, thu lời chỉ 40-50 triệu đồng/hécta/năm. Kể cả những hộ có năng suất vượt trội, quá trình chăm sóc cũng không giống nhau.

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật Trảng Bom hướng dẫn sử dụng thuốc cho vườn tiêu ở xã Sông Trầu.  Ảnh: H. Giang
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật Trảng Bom hướng dẫn sử dụng thuốc cho vườn tiêu ở xã Sông Trầu. Ảnh: H. Giang

Ông Hoàng Văn Lập ở ấp Trường An, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), cho hay: “Vườn tiêu của tôi nhờ áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, năng suất đạt 7-8 tấn/hécta/năm. Quy trình này bắt buộc bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai mục, bón đúng, đủ lượng phân hóa học và ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh”. Ông Trần Hữu Thắng ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), người có năng suất tiêu cao nhất tỉnh, nhận định: “Sở dĩ cây tiêu của tôi có năng suất 10 tấn/hécta/năm là nhờ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống. Được tưới nước, bón phân đầy đủ, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, đỡ phun xịt thuốc hóa học”.

Cả 2 mô hình tiêu ở trên đều cho năng suất cao, mỗi mô hình theo một quy trình riêng. Đây chính là điểm yếu khiến hồ tiêu trong tỉnh cũng như cả nước xuất khẩu luôn có giá thấp hơn giá tiêu của một số nước từ 200-400 USD/tấn, dù Việt Nam là nước xuất khẩu hạt tiêu đứng đầu thế giới, chiếm 40-50% lượng hạt tiêu giao dịch toàn cầu.

* Sẽ có vùng chuyên canh lớn

Để có vùng chuyên canh lớn sản xuất theo hướng hàng hóa, Đồng Nai chọn cây tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh nhằm có những chính sách hỗ trợ phát triển. Với những diện tích trồng mới, tỉnh sẽ hỗ trợ giống và một phần phân bón trong 4 năm liền, các vườn tiêu thâm canh được hỗ trợ kinh phí mua vật tư nông nghiệp trong 3 năm liền...

 Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Vì cây tiêu là cây chủ lực nên hàng năm, trung tâm đều phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình thí điểm cho năng suất cao. Sau đó, trung tâm tổ chức hội thảo mời nông dân trong tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng. Hiện nay, ở một số huyện đang từng bước hình thành vùng chuyên canh tiêu cho năng suất cao và số hộ có năng suất tiêu đạt 5-7 tấn/hécta/năm ngày càng nhiều”.

Tuy một số huyện đã bắt đầu nhen nhóm hình thành các vùng chuyên canh tiêu, như: Xuân Thọ, Suối Cao (huyện Xuân Lộc); Thanh Bình, Cây Gáo (huyện Trảng Bom); Lâm San (huyện Cẩm Mỹ)… Nhưng để thực sự trở thành các vùng chuyên canh hồ tiêu lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa thì cần có quy hoạch. Trong các vùng chuyên canh, đòi hỏi nông dân làm cùng một quy trình từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và các khâu đảm bảo vệ sinh an toàn. Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Cây công nghiệp - cây ăn quả Cục Trồng trọt, nhấn mạnh: “Muốn sản xuất tiêu sạch, tỉnh cần quy hoạch vùng canh tác an toàn. Nếu tiêu sạch bán được giá cao thì ta có thể chi phối thị trường theo hướng có lợi, vì Việt Nam cung cấp 50% sản lượng tiêu cho thế giới”.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều