Báo Đồng Nai điện tử
En

Háo hức về “vùng đất vàng” Myanmar (Bài cuối)

08:08, 01/08/2012

Đường bay trực tiếp từ Hà Nội (ngày 5 chuyến) và TP.Hồ Chí Minh (ngày 3 chuyến) đến sân bay quốc tế Rangon - Myanmar  hiện nay bằng máy bay ATR đã trở nên “nóng” với doanh nhân Việt Nam vì phải đặt vé trước khoảng 1 tháng.

Doanh nghiệp Đồng Nai không muốn lỡ cơ hội

Đường bay trực tiếp từ Hà Nội (ngày 5 chuyến) và TP.Hồ Chí Minh (ngày 3 chuyến) đến sân bay quốc tế Rangon - Myanmar  hiện nay bằng máy bay ATR đã trở nên “nóng” với doanh nhân Việt Nam vì phải đặt vé trước khoảng 1 tháng.

Theo chị Nguyễn Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương), nếu đặt vé cận ngày thì giá bình thường từ 498 USD/người có thể tăng lên 535 -555 USD/người, nhưng nhiều khi cũng chẳng còn vé.

* Nhiều bất ngờ với doanh nghiệp Đồng Nai

Các doanh nghiệp trong đoàn xúc tiến thương mại của Đồng Nai đều hiểu rằng, đến Myanmar lần đầu tiên chỉ là bước thăm dò, tìm hiểu thị trường, còn muốn làm ăn thì phải bay đi bay về nhiều lần sau đó. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp Đồng Nai đã hết sức bất ngờ trong cuộc gặp mặt với các doanh nhân Myanmar tại buổi hội thảo do Phòng Thương mại - công nghiệp nước này tổ chức. Các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa các doanh nhân Đồng Nai và Myanmar đã kéo dài quá 12 giờ trưa ngày 27-7. Nhiều doanh nhân Myanmar còn hẹn vào sáng hôm sau (thứ bảy 28-7) họ đến trực tiếp tại khách sạn Rangon, nơi đoàn Đồng Nai ở để tiếp tục tìm hiểu sâu hơn.

Các doanh nhân Myanmar tìm hiểu các mặt hàng thuốc tây của Công ty cổ phần dược Đồng Nai.  Ảnh: Xuân Phú
Các doanh nhân Myanmar tìm hiểu các mặt hàng thuốc tây của Công ty cổ phần dược Đồng Nai. Ảnh: Xuân Phú

Anh Phạm Xuân Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Thắng (thuộc Tổng công ty may Đồng Nai), cho biết: “Khi sang đây, tôi có mang theo sản phẩm mẫu là túi vải không dệt và màng nhựa làm khung định hình. Tôi thật bất ngờ khi doanh nhân Myanmar tỏ ra rất quan tâm và họ hẹn sẽ bay sang Đồng Nai để xem công nghệ sản xuất, thương thảo làm ăn”.  Chị Liu Thị Phụng, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thuận Hương (chuyên chế biến nông sản sấy khô, như: mít, chuối, khoai lang, khoai môn) nói: “Ông giám đốc Công ty Biz trade - Myanmar tỏ ra sốt sắng và yêu cầu Thuận Hương về mail hình ảnh các mẫu mã theo yêu cầu và giá cả cho công ty trước khi sang Đồng Nai xem hàng cụ thể”.  “Hiền lành“ như chị Trịnh Thịnh Hòa vì là đại diện duy nhất của Công ty TNHH rượu bưởi Nhân Hòa và lại không rành tiếng Anh nhưng với những trái bưởi Tân Triều đem sang cho đối tác ăn thử cũng đã có được cuộc hẹn sẽ đến Đồng Nai xem hàng cụ thể. Ông Lê Văn Hồng, một doanh nhân khá nổi tiếng về lĩnh vực khai khoáng và chế biến vật liệu xây dựng, nhận xét tiềm năng ở thị trường Myanmar rất lớn, chỉ có điều là cần tìm được đối tác thích hợp.[links(left)]

Bận rộn hơn hết có lẽ là Công ty cổ phần dược Đồng Nai (doanh nghiệp thành viên của Donafoods) khi liên tục trong hơn 1 tiếng đồng hồ đã tiếp hàng chục doanh nhân Myanmar tìm hiểu rất kỹ về chất lượng và giá cả các loại tân dược do công ty sản xuất. Một thùng carton nhỏ đựng 120 mặt hàng thuốc của Công ty cổ phần dược Đồng Nai đem sang làm mẫu đã được các doanh nhân Myanmar xin hết để về kiểm tra, đối chiếu với giá thuốc trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty cổ phần dược Đồng Nai, tỏ ra phấn khởi nói: “Triển vọng về cơ hội làm ăn tại thị trường này là rất nhiều...”.

* Thị trường làm ăn rộng mở

Theo con số của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, buôn bán của Myanmar với các nước châu Á chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại, trong đó các nước ASEAN chiếm hơn 50%. Đất nông nghiệp chiếm gần 12 triệu hécta, trong đó còn bỏ hoang khoảng 5,7 triệu hécta. Myanmar có tới 8,2 triệu hécta mặt nước sông, hồ tự nhiên và 1,8 triệu hécta mặt nước hồ nhân tạo. Do vậy, Myanmar đang ra sức kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Trong chuyến thăm của Tổng thống Thein Sein đến Việt Nam tháng 3 năm nay, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar đã công bố khoản đầu tư 100 triệu USD vào lĩnh vực nông nghiệp Myanmar”.

Đại sứ Chu Công Phùng cho biết, nhu cầu nhập khẩu của Myanmar rất lớn, vì hàng tiêu dùng công nghiệp nhẹ sản xuất tại đất nước có 60 triệu dân này mới đáp ứng được khoảng 15%. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã đưa sang đây có lợi thế cạnh tranh với hàng của Trung Quốc, Thái Lan từ hàng điện tử đến hàng tiêu dùng phổ thông, như: đồ nhựa, vật liệu xây dựng, giày dép, hàng dệt may… do chất lượng tốt và giá cả phù hợp.

Sân bay quốc tế Rangon được xây dựng vào năm 2006, đón chúng tôi lần đầu tiên đặt chân đến bằng một cơn mưa nặng hạt vào tối 26-7, đồng thời “tiễn chân” chúng tôi cũng bằng trận mưa vào sáng sớm ngày 29-7. Tuy vậy, nhiều doanh nhân trong đoàn xúc tiến thương mại của Đồng Nai vẫn khấp khởi nhiều hy vọng, hứa hẹn sẽ tiếp tục có những chuyến bay trở lại Myanmar cũng như đón các đối tác từ Myanmar bay vào Việt Nam để đến Đồng Nai tìm hiểu làm ăn.

Xuân Phú

 

 

Tin xem nhiều