Là công trình trọng điểm quốc gia nên chủ đầu tư dự án (DA) đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây muốn sớm đưa công trình vào khai thác. Tuy nhiên, tiến độ của một số gói thầu chậm hơn dự kiến nên vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phải đi thị sát để tìm hướng giải quyết.
Là công trình trọng điểm quốc gia nên chủ đầu tư dự án (DA) đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây muốn sớm đưa công trình vào khai thác. Tuy nhiên, tiến độ của một số gói thầu chậm hơn dự kiến nên vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phải đi thị sát để tìm hướng giải quyết.
Được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), DA đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài gần 55km, chia làm 2 DA thành phần.
* Nghẽn tắc đầu đường
Theo đó, DA thành phần 1 (gói thầu 7, 8, 9) có chiều dài 4km, tính từ nút giao An Phú nối đại lộ Đông Tây đến nút giao vành đai 2 (thuộc TP.Hồ Chí Minh). DA thành phần 2 tính từ nút giao vành đai 2 đến nút giao Dầu Giây (Đồng Nai) và được chia làm 6 gói thầu xây lắp.
Hạng mục cầu Long Thành của dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang được thi công. Ảnh: K. GiớI |
Ở hai địa phương TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai, công tác giải phóng mặt bằng cho DA thành phần 2 của đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đến nay cơ bản hoàn thành. Phía TP.Hồ Chí Minh báo cáo, hiện chỉ còn vướng 1 hộ dân nằm ở khu vực Trung tâm điều hành đường cao tốc, đồng thời đang di dời một số công trình điện. Đoạn đường này do ít vướng nhà dân nên việc thi công khá suôn sẻ. Phần đi qua địa bàn Đồng Nai của DA thành phần 2 dài hơn 42km, nằm trên 4 huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất cũng giải tỏa mặt bằng tương đối nhanh. Đến nay, tỉnh đã bàn giao mặt bằng cho tuyến chính đạt trên 99%, chỉ còn 17 hộ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích khoảng 0,67 hécta. Hiện các huyện đang triển khai việc đền bù, thu hồi đất phần còn lại của tuyến chính để bàn giao và các hạng mục cống chui, cầu vượt của dự án.
Theo Ban quản lý DA đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, lo ngại lớn nhất là 4km đầu tiên của DA (DA thành phần 1). Đến nay, tình hình giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu đồng bộ, do đó có thể đến tận cuối năm nay, chủ đầu tư (Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) mới bàn giao được mặt bằng cho đơn vị thi công. Như vậy, phải đến đầu năm 2013 mới khởi công được gói thầu số 7 và 8, và đến cuối năm 2014 mới hoàn thành được đoạn đường này. Riêng gói thầu số 9 là xây dựng nút giao An Phú sẽ phải chậm hơn nữa. Mặt khác, gói thầu số 2 thi công cầu Long Thành (thuộc DA thành phần 2) đến nay cũng bị trễ tiến độ khoảng 16% (tương đương với 3 tháng) do việc xử lý kỹ thuật đối với tình trạng lún tại đây khá phức tạp.
* Khai thác sớm để có hiệu quả
Tại buổi làm việc về DA trong hai ngày 9 và 10-8 vừa qua với UBND 2 địa phương liên quan là TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng các bộ, ngành Trung ương, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, đây là DA giao thông trọng điểm, sử dụng nguồn vốn vay, bên cạnh đó còn được ưu tiên bố trí vốn nên cần phải sớm đưa vào khai thác. Phó thủ tướng chỉ đạo, UBND TP.Hồ Chí Minh cần gấp rút triển khai việc giải phóng mặt bằng của 4km đầu tuyến để bàn giao cho đơn vị thi công.
Ngoài ra, theo đúng tiến độ đăng ký, DA thành phần 2 sẽ phải hoàn tất và thông xe vào tháng 10-2013. Để khai thác hiệu quả, Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu triển khai tuyến đường tạm song hành kết nối với 4km đầu tuyến để kịp đưa vào khai thác, tránh lãng phí. “Đây là DA rất quan trọng nên không chỉ đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác mà Bộ Giao thông - vận tải còn phải kiểm tra kỹ về chất lượng thi công của các hạng mục, nhất là các cầu vượt qua sông hay khu vực có nền đất yếu để chất lượng của công trình được đảm bảo” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cũng cho biết, trong tháng 8 và 9-2012, thành phố sẽ quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng đoạn 4km và sớm bàn giao mặt bằng cho DA.
Mong đợi DA đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sớm được thông xe không chỉ có ở riêng chủ đầu tư - do chịu áp lực về vốn vay muốn sớm khai thác - mà người dân cũng như các doanh nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng rất trông chờ để giảm lượng xe cho quốc lộ 1A hiện nay, chấm dứt tình trạng kẹt xe khi các phương tiện giao thông ngày một ken dày trên quốc lộ.
Khắc Giới