Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó!

08:08, 22/08/2012

Sau gần 2 tháng, thực hiện Thông tư 66 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 08/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi (TĂCN), các doanh nghiệp (DN) sản xuất TĂCN đã lo lắng trước những khó khăn do Thông tư 66 đưa ra. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, xoay quanh vấn đề này.

Sau gần 2 tháng, thực hiện Thông tư 66 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 08/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi (TĂCN), các doanh nghiệp (DN) sản xuất TĂCN đã lo lắng trước những khó khăn do Thông tư 66 đưa ra. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, xoay quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Sau gần hai tháng Thông tư 66 về quản lý TĂCN có hiệu lực, nhiều DN sản xuất TĂCN tại Đồng Nai đã phản ứng mạnh về những quy định của thông tư này, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

- Ông Phạm Đức Bình: Về chủ trương siết chặt nguyên liệu TĂCN nhập khẩu để tránh nhập nhèm giữa những DN làm ăn chân chính và DN làm ăn chụp giật thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng cách làm ở đây thực sự đã khiến DN sản xuất TĂCN cảm thấy lo lắng vì nó đã gây ra rất nhiều khó khăn cho DN.

* Ông cho biết cụ thể về những khó khăn mà DN phải chịu khi thực hiện Thông tư 66 này là gì?

- Bất cập lớn nhất của Thông tư 66 là thêm nhiều loại phí, quá trình kiểm tra làm đội thêm chi phí rất lớn cho DN. Các nguyên liệu nhập về phải lấy mẫu kiểm tra rồi mới cho thông quan, tôi thấy có những nguyên liệu không cần thiết phải làm việc đó như: bắp, lúa mì, đậu nành… có thể nhìn bằng mắt cũng biết sản phẩm có mốc hay không, đâu nhất thiết phải đem đi phân tích xét nghiệm. Những nguyên liệu khác, như: chất phụ gia, remix, chất tổng hợp... không biết trong đó có chất cấm hay không thì cần phải kiểm tra. Thông tư 66 đưa ra 12 chất phải kiểm, như thế sẽ phát sinh chi phí khá nhiều. Trong thời gian lấy mẫu chờ kết quả kiểm tra thì hàng không được thông quan thêm khoản chi phí lưu kho và nhiều phí “vô hình” khác. Một điểm nữa trong Thông tư 66 đưa ra những quy định cụ thể về nhãn mác, bao bì khiến DN phải gánh thêm chi phí phát sinh không cần thiết. Trong tháng đầu tiên thực hiện thông tư này, có nhiều DN chi phí bị đội lên trên 1 tỷ đồng. Một bất cập nữa đó là kết quả kiểm tra, có những mẫu kiểm tra nơi này không đạt nhưng đưa sang nơi khác kiểm tra lại đạt, làm như thế DN không hoang mang sao được? Thông tư 66 đúng là một “giấy phép con”.

* Giá TĂCN hiện nay được xem là cao, nếu chi phí tăng thêm sẽ làm đội giá thành sản phẩm, có nghĩa là giá TĂCN sẽ tiếp tục tăng giá?

- Đúng như vậy, giá thành sản phẩm đầu vào tăng thì DN sản xuất buộc phải tăng giá bán, như thế gánh nặng cuối cùng lại đổ lên người chăn nuôi và người tiêu dùng. Hiện người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá heo, gà từ đầu năm đến nay liên tục xuống thấp. Nhiều người đã giảm đàn, thậm chí bỏ trại làm ảnh hưởng mạnh đến ngành sản xuất TĂCN, DN đã khó nay lại thêm khó.

Giá cám tăng do Thông tư 66 sẽ làm tăng sức ép đối với ngành chăn nuôi. Trong ảnh: Một chủ trại nuôi heo sữa ở xã Gia Tân, huyện Thống Nhất. Ảnh: K. Giới
Giá cám tăng do Thông tư 66 sẽ làm tăng sức ép đối với ngành chăn nuôi. Trong ảnh: Một chủ trại nuôi heo sữa ở xã Gia Tân, huyện Thống Nhất. Ảnh: K. Giới

* Theo ông thì việc thực hiện kiểm tra như thế nào là hợp lý?

- Đối với nguyên liệu đầu vào, các cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra đột xuất các lô hàng nhập khẩu về, nếu phát hiện không đạt thì đưa ra cảnh báo cho các DN trong nước. Nếu hàng nhập khẩu ở một quốc gia nào đó thường xuyên không đảm bảo chất lượng sẽ cấm nhập khẩu. Các cơ quan quản lý có thể đặt ra những luồng xanh, vàng, đỏ để đánh giá sản phẩm đạt chất lượng ở các thị trường. Sản phẩm nằm trong luồng xanh sẽ ít bị kiểm tra, còn ở luồng vàng thì thường xuyên kiểm tra và ở luồng đỏ cấm nhập khẩu. Hàng rào kỹ thuật như vậy sẽ hợp lý, nó cũng đúng với thông lệ quốc tế, không gây ra khó khăn cho DN trong nước.

Riêng với thành phẩm đầu ra chỉ cần kiểm tra ba tiêu chí là đủ: thứ nhất là độ đạm có đủ so với đăng ký không, nếu thấp hơn có nghĩa là nhà sản xuất đang ăn gian; thứ hai là độ ẩm nếu tăng lên vượt mức quy định thì giá trị sản phẩm bị giảm và thứ ba là sản phẩm có chất cấm hay không. Theo tôi, chỉ cần kiểm ba tiêu chí đó thôi, hiện có tới 14 tiêu chí trong danh mục phải kiểm mà nhiều tiêu chí không cần thiết. Hiện nay các DN sản xuất TĂCN thật sự là đang rất “run tay”. Hiệp hội TĂCN Việt Nam cũng có kiến nghị và đang chờ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sửa đổi.  

* Xin cảm ơn ông!

Khắc Giới (thực hiện)

 

Tin xem nhiều